Lạm phát Trung Quốc tăng nhanh trong tháng 8

15:30 - Thứ Hai, 09/09/2024 Lượt xem: 3087 In bài viết

Ngày 9-9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng 8 (CPI) tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ leo thang lạm phát nhanh nhất tại Trung Quốc trong nửa năm gần đây.

Lạm phát tại Trung Quốc tăng chủ yếu do giá thực phẩm lên cao. Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát gia tăng chủ yếu do chi phí thực phẩm lên cao bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trong mùa hè vừa qua. Có lúc nhiệt độ quá cao, có lúc mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng tới nuôi trồng và nguồn cung thực phẩm.

Tổng diện tích cây trồng tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do thảm họa thiên nhiên lên tới 1,46 triệu ha vào tháng 8. Điều này khiến giá thực phẩm tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát cơ bản trong tháng 8, không bao gồm biến động về giá thực phẩm và năng lượng, là 0,3% - mức thấp nhất trong 3 qua. Chỉ số lạm phát tiêu dùng tăng 0,4% so với tháng trước.

Thông tin về lạm phát đang tạo áp lực ngày càng tăng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh thị trường nhà ở suy thoái kéo dài, tình trạng thất nghiệp dai dẳng, căng thẳng thương mại tiếp diễn.

Sau khi dữ liệu lạm phát hằng tháng được công bố làm tăng thêm lo ngại về kinh tế , đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm so với USD trong phiên giao dịch sáng ngày 9-9 khi lợi suất dài hạn đạt mức thấp kỷ lục.

Gần đây, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (PBoC) Trung Quốc Dị Cương đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tập trung chống áp lực giảm phát ngay lập tức. Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải vào cuối tuần trước, ông nhấn mạnh: “Nhu cầu trong nước đang suy yếu, đặc biệt là về mặt tiêu dùng và đầu tư. Vì vậy, chúng ta cần áp dụng chính sách tài khoá chủ động và tiền tệ thích ứng”.

Trong khi đó, giá sản xuất vẫn trong xu hướng giảm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 1,8% so với cùng kỳ, mức giảm lớn nhất trong 4 tháng. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, giảm phát trong lĩnh vực sản xuất kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thặng dư sản xuất, có nghĩa lượng cung vượt xa nhu cầu.

Nhiều cơ quan đánh giá tài chính toàn cầu đã giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2024 xuống dưới mức 5%.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top