Nhật Bản: Số người từ 100 tuổi trở lên cao kỷ lục

16:08 - Thứ Năm, 19/09/2024 Lượt xem: 2568 In bài viết

Ngày 17/9, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, số người từ 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản đã vượt 95.000 người, trong đó gần 90% là phụ nữ. Đây là mức cao kỷ lục năm thứ 54 liên tiếp.

 Cụ Itooka Tomiko, cụ bà cao tuổi nhất Nhật Bản, sống tại thành phố Ashiya, tỉnh Hyogo vừa tổ chức sinh nhật ở tuổi 116. (Ảnh: AFP)

Số liệu thống kê dựa trên dữ liệu dân cư cơ bản tính đến ngày 1/9 của Bộ trên cho biết, cả nước Nhật Bản có 95.119 người từ 100 tuổi trở lên, tăng 2.980 người so với năm ngoái. Trong số này có 83.958 cụ bà, chiếm hơn 88%. Số cụ ông là 11.161 người.

Trong khi đó, số người được xác nhận sẽ bước sang tuổi 100 trong năm tài chính 2024 (tính đến hết ngày 31/3/2025) là 47.888 người (tăng 781 người so với năm trước).

Cụ bà cao tuổi nhất Nhật Bản là cụ Itooka Tomiko, 116 tuổi, sống tại thành phố Ashiya, tỉnh Hyogo. Cụ ông cao tuổi nhất là cụ Mizuno Kiyotaka, 110 tuổi, sống tại thành phố Iwata, tỉnh Shizuoka.

Tính trung bình, tại Nhật Bản, cứ 100.000 dân sẽ có 76,49 người có độ tuổi trên 100, trong đó tỉnh Shimane tiếp tục là tỉnh đứng đầu trong 12 năm liên tiếp với tỷ lệ 159,54 người, tiếp theo là tỉnh Kochi với 154,20 người, tỉnh Kagoshima có 130,73 người... Trong khi đó, Saitama là địa phương có số lượng người từ 100 tuổi trở lên thấp nhất với 45,81 người.

Cũng theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của người Nhật vào năm 2023 là 87,14 tuổi đối với phụ nữ và 81,09 tuổi đối với nam giới.

Bộ này cho biết, vào năm 1963, chỉ có 153 người từ 100 tuổi trở lên. Con số này đã vượt 1.000 người vào năm 1981, và vượt 10.000 người vào năm 1998.

Cũng theo báo cáo được công bố, tính đến ngày 15/9, số người trên 65 tuổi ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục là 36,25 triệu người, tương đương gần 30% tổng dân số của nước này. Dân số Nhật Bản hiện là 124 triệu người, giảm 595.000 người so với năm trước.

Hiện, chính phủ Nhật Bản đang cam kết nâng cao các dịch vụ phúc lợi xã hội để giúp người cao tuổi sống thoải mái và độc lập trong cộng đồng của mình.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top