Quốc tế phản đối Israel "cấm cửa" Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine

15:29 - Thứ Tư, 30/10/2024 Lượt xem: 1536 In bài viết

Ngày 30-10, hàng loạt quốc gia trên thế giới tiếp tục bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước việc Israel "cấm cửa" Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).

Hàng triệu người dân Gaza đang sống nhờ vào các nguồn hỗ trợ của UNRWA. Ảnh: CNN

Theo Al Jazeera, trong tuyên bố chung tại cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhóm 16 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA). Tuyên bố nêu rõ, việc Israel thực hiện luật mới cấm UNRWA "rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế".

Tuyên bố trên được đưa ra bởi Algeria, Bỉ, Brazil, Guyana, Indonesia, Ireland, Jordan, Kuwait, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Qatar, Slovenia, Nam Phi, Tây Ban Nha và Nhà nước Palestine. Đây là các thành viên nòng cốt của nhóm "Cam kết chung" hỗ trợ UNRWA tại Liên hợp quốc.

"Chúng tôi lấy làm tiếc về các biện pháp mà Israel đang thực hiện chống lại UNRWA, bao gồm cả đạo luật được Quốc hội Israel thông qua", tuyên bố nêu rõ.

Các nước nói thêm rằng, động thái này có nguy cơ gây tê liệt "toàn bộ công tác hỗ trợ nhân đạo ở Gaza, vốn dựa trên cơ sở hạ tầng của UNRWA".

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi thư cho Thủ tướng Israel Netanyahu phản đối các đạo luật cấm UNRWA. Động thái này diễn ra sau khi người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên. Tới nay, khoảng hơn 120 quốc gia tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lên tiếng ủng hộ UNRWA.

Bộ Ngoại giao Mỹ có phát biểu cho rằng, quyết định cấm UNRWA của Israel có thể gây ra nhiều "hậu quả". Chính phủ Đức cũng chỉ trích dự luật trên, cảnh báo việc thực hiện luật này cũng sẽ cản trở những nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Nhân viên UNRWA đánh giá hư hại tại một trường học Liên hợp quốc ở Dải Gaza. Ảnh: Middle East Eye

Trước đó, Quốc hội Israel đã phê chuẩn hai đạo luật cấm UNRWA hoạt động bên trong lãnh thổ Israel và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Đạo luật đầu tiên nêu rõ, UNRWA không được phép "vận hành bất kỳ tổ chức nào, cung cấp bất kỳ dịch vụ nào hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp" ở Israel.

Đạo luật thứ hai cấm hoàn toàn quan chức và cơ quan chính phủ Israel liên lạc với UNRWA, đồng thời cấm các công chức và cán bộ Israel cung cấp dịch vụ hoặc giao dịch với nhân viên UNRWA.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top