Triển vọng hòa bình ở Trung Đông: Chưa thấy "tia sáng cuối đường hầm"

08:54 - Thứ Hai, 04/11/2024 Lượt xem: 1715 In bài viết

Hàng loạt tín hiệu mới xuất hiện cho thấy xung đột tại Trung Đông sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài. Điều này trái với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về khả năng vãn hồi hòa bình cho khu vực.

Một trong những tín hiệu đáng lo ngại nhất là việc Israel và các đồng minh trong những ngày qua rốt ráo chuẩn bị cho các đợt mở rộng hoạt động quân sự tiếp theo tại Trung Đông. Bên cạnh đó, nội các Israel đã thông qua dự toán ngân sách chiến tranh năm 2025 trị giá tương đương 162 tỷ USD, trong đó bao gồm việc triển khai các biện pháp tài chính và tăng thuế để thúc đẩy chi tiêu quân sự ở Dải Gaza và Lebanon. Dự kiến được phê duyệt vào cuối tháng 1-2025, bản dự toán được Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich mô tả là “khoản ngân sách ổn định nhằm giải quyết nhu cầu của cuộc chiến và những thách thức lớn mà nền kinh tế Israel phải đối mặt" trong thời gian tới.

Trong khi đó, Mỹ cũng vừa thông báo điều động thêm tàu khu trục, phi đội máy bay chiến đấu, máy bay ném bom tấn công tầm xa B-52 tới Trung Đông. Động thái này được cho là sẽ nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ, cũng như tăng cường sự hiện diện của Washington trong khu vực. Hiện nay, xứ Cờ hoa đang duy trì khoảng 43.000 binh lính và nhiều khí tài tại Trung Đông, tiếp tục thực thi cam kết hỗ trợ bảo vệ Israel chống lại các cuộc tấn công, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trong các xung đột ở Syria, Iraq, Jordan và ngoài khơi Yemen.

Những diễn biến mới khiến giới quan sát lo ngại, với hàng loạt nhận định cho rằng hoạt động quân sự giữa các đối thủ trong khu vực Trung Đông còn leo thang hơn nữa trong thời gian tới. Quan điểm này có lý khi trên thực địa, triển vọng ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas tại Gaza cũng như với lực lượng Hezbollah tại Lebanon tiếp tục mờ mịt. Trong những giờ qua, Israel tiếp tục tiến hành không kích làm ít nhất 68 người thiệt mạng ở Gaza. Tel Aviv cũng oanh kích cửa khẩu biên giới Jousieh giữa Lebanon và Syria, dù đây là tuyến đường thoát hiểm quan trọng cho những người sơ tán khỏi cuộc xung đột hiện nay, sau khi cửa khẩu biên giới chính giữa hai nước bị tấn công.

Chính phủ Lebanon nhận định, việc Israel tăng cường không kích các khu vực trên là dấu hiệu cho thấy Tel Aviv “từ chối” những nỗ lực đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Quân đội Israel vừa qua đã ban hành cảnh báo sơ tán khẩn cấp cho cư dân ở Baalbek, Ain Bourday và Douris của Lebanon, cho thấy các hoạt động quân sự sẽ sớm lan ra các khu vực này. Trong khi đó, Hamas cũng bày tỏ không ủng hộ lệnh ngừng bắn tạm thời, nhấn mạnh rằng các đề xuất ngừng bắn không đáp ứng được điều kiện của họ là bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 1 năm qua ở Gaza và bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi dải đất này.

Tín hiệu tích cực duy nhất cho tình hình khu vực là việc vòng đàm phán mới về ngừng bắn có thể được nối lại tại Ai Cập trong tuần này. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Ngoại trưởng nước này Badr Abdelatty và Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã có cuộc điện đàm trao đổi về đề xuất ngừng bắn kéo dài 2 ngày kèm điều kiện phóng thích 4 con tin. Tuy nhiên, kể cả khi nỗ lực này thành công, cũng mới chỉ là “liều thuốc giảm đau” nhất thời chứ chưa phải một lối thoát bền vững cho xung đột. Mặt khác, một số quan điểm phân tích cũng chỉ ra, trước khi các nỗ lực đàm phán được nối lại, hoạt động tấn công bắn phá sẽ tiếp tục được các bên đẩy mạnh nhằm giành thêm lợi thế trên bàn thương lượng.

Trong khi đó, trái với các nỗ lực chạy đua vũ trang hùng hậu, công tác viện trợ và cứu trợ chưa thể thực hiện ở mức độ tương xứng. Thực tế, viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza và Lebanon đã không thể theo kịp quy mô nhu cầu vì nhiều lý do như: Hạn chế về khả năng tiếp cận; không có sẵn các hàng hóa cơ bản, cứu sinh; các tổ chức nhân đạo không được bảo đảm an toàn để thực hiện công việc và tiếp cận những người cần giúp đỡ…

Có thể thấy, bất chấp mọi phản đối xung đột từ dư luận quốc tế và các nỗ lực trung gian hòa giải không ngừng được xúc tiến, Trung Đông chưa thể nhìn thấy "tia sáng cuối đường hầm" cho phép thoát ra khỏi quỹ đạo bạo lực và giao tranh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top