Liên minh cầm quyền Đức sụp đổ

09:13 - Thứ Năm, 07/11/2024 Lượt xem: 2797 In bài viết

Ngày 7-11, liên minh cầm quyền bao gồm ba đảng của Đức đã sụp đổ khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner. Điều này có thể dẫn tới một cuộc bầu cử bất thường.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước báo chí về quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Reuters.

Sau khi sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng Dân chủ Tự do (FDP), chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ trở thành thiểu số với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh, đảng lớn thứ hai.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, ông đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vì hành vi cản trở của ông này trong các tranh chấp ngân sách, cáo buộc bộ trưởng này đặt đảng FDP lên trên đất nước và ngăn cản luật pháp với lý do sai trái.

Với số ghế không đủ quá bán trong quốc hội, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ phải dựa vào các đảng đối lập để thông qua luật và có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của mình vào ngày 15-1. Nếu không được thông qua, một cuộc bầu cử bất thường có thể được kích hoạt vào cuối tháng 3.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, ông sẽ yêu cầu ông Friedrich Merz, lãnh đạo phe bảo thủ đối lập đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò, ủng hộ việc thông qua ngân sách và tăng chi tiêu quân sự. Ông Friedrich Merz dự kiến sẽ trả lời trong một cuộc họp báo chiều hôm nay.

Lãnh đạo phe bảo thủ đối lập Friedrich Merz sẽ có câu trả lời trong ngày hôm nay. Ảnh: Reuters.

Sự sụp đổ của liên minh chính phủ ba đảng đã khép lại nhiều tháng tranh cãi về chính sách ngân sách và định hướng kinh tế của Đức. Sự ủng hộ dành cho chính phủ cũng đang có dấu hiệu giảm sút và chuyển sang các lực lượng cực hữu, cực tả.

"Chúng ta cần một chính phủ có khả năng hành động, có đủ sức mạnh để đưa ra những quyết định cần thiết cho đất nước chúng ta", ông Olaf Scholz nói với các phóng viên.

Thời gian qua, liên minh cầm quyền Đức liên tục bất đồng quan điểm về biện pháp cứu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đang phải đối mặt với năm thứ hai suy thoái và khủng hoảng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ và cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, ông đã đề xuất giới hạn chi phí năng lượng cho các công ty để củng cố sức hấp dẫn của Đức như một điểm đến để kinh doanh. Ông muốn có một gói cứu giúp việc làm trong ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn, cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Các nguồn tin chính phủ cho biết, Thủ tướng Đức muốn tăng gói hỗ trợ cho Ukraine thêm 3 tỷ euro lên 15 tỷ euro bằng cách đình chỉ quy định về phanh nợ.

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng FDP đã đề xuất cắt giảm chi tiêu công, giảm thuế, đồng thời cũng muốn làm chậm quá trình chuyển đổi của Đức sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Ông Christian Lindner cho biết, Thủ tướng Olaf Scholz đã cố gắng ép buộc ông phá vỡ giới hạn chi tiêu được ghi trong hiến pháp được gọi là phanh nợ. Đây là một động thái mà ông Christian Lindner, một người theo chủ nghĩa diều hâu về tài chính, đã từ chối ủng hộ.

Ba bộ trưởng của FDP khác gồm giao thông, tư pháp và giáo dục đều đã tự nguyện rời khỏi chính phủ.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng đưa ra phản ứng thống nhất về các thay đổi có khả năng xảy ra, từ khả năng áp thuế mới của Mỹ cho đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cuộc khủng hoảng chính phủ Đức diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Đức, khi nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, cơ sở hạ tầng già cỗi.

Một cuộc cải tổ chính trị có thể làm gia tăng sự thất vọng đối với các đảng phái chính thống của Đức, mang lại lợi ích cho các phong trào dân túy trẻ tuổi hơn, bao gồm cả đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) chống nhập cư.

Với việc Pháp cũng đang phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử bất ngờ trong năm nay, tình hình không chắc chắn ở hai nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) có thể cản trở những nỗ lực nhằm tăng cường sự hội nhập của khối vào thời điểm đang phải đối mặt với những thách thức từ cả phía Đông và phía Tây.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top