Thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Australia:

Gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

13:16 - Chủ Nhật, 17/11/2024 Lượt xem: 1191 In bài viết

Australia tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản vào ngày 17-11 nhằm thúc đẩy chương trình hợp tác, bao gồm tăng cường các cuộc tập trận và nâng cao năng lực chiến lược chung.

Trong bối cảnh nền tảng trật tự quốc tế đang có nhiều biến động, đối thoại ba bên được Mỹ, Nhật Bản, Australia xem như một cơ chế hữu hiệu nhằm định hình và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ, Nhật Bản, Australia thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Ảnh: PACOM

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, quan hệ đối tác ba bên giữa Australia, Nhật Bản và Mỹ được xây dựng dựa trên các giá trị chung, lòng tin sâu sắc và cam kết không thể phá vỡ đối với sự ổn định và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sự răn đe tập thể trong khu vực.

Kể từ khi thành lập vào năm 2002, đối thoại chiến lược ba bên Mỹ, Nhật Bản, Australia đã trở thành hợp tác cốt lõi giữa các đồng minh trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thậm chí cơ chế này có thể được coi như “hạt nhân” của bất kỳ phản ứng tập thể nào do Mỹ lãnh đạo đối với một tình huống bất trắc xảy ra trong khu vực. Tại hội nghị diễn ra vào tháng 6 vừa qua, các bộ trưởng quốc phòng ba nước đã cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp cụ thể và thiết thực để cải thiện khả năng tương tác và tăng cường hợp tác quốc phòng. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn với nhau và sẵn sàng phản ứng phối hợp đối với các thảm họa và khủng hoảng trong khu vực.

Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng xác nhận sự thống nhất trong các chiến lược và vai trò quan trọng của quan hệ ba bên trong việc hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tham vọng của Mỹ, Nhật Bản, Australia trong thời gian tới là mở rộng sự tham gia trong khu vực và tăng cường hợp tác với các đối tác Thái Bình Dương.

Theo các nhà quan sát, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia lần này nhằm tiếp tục triển khai các kế hoạch cụ thể được đưa ra trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị hồi tháng 6-2024 tại Singapore. Các bên đã đề ra nhiều chương trình tập trận, huấn luyện chung bao gồm: Huấn luyện máy bay chiến đấu F-35 ba bên tại Australia; tăng cường các cuộc tập trận cao cấp ba bên ở miền Bắc Australia như tập trận Southern Jackaroo để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; thúc đẩy hợp tác năng lực chiến lược trên nhiều lĩnh vực như phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp (IAMD), tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và chiến tranh dưới nước.

Bên cạnh đó, ba quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, các quốc gia châu Âu, ASEAN và các đối tác đồng minh có cùng chí hướng để duy trì và củng cố chiến lược ở mọi khu vực trên thế giới. Sau các cuộc hội đàm tại thành phố Darwin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố chung.

Các nhà bình luận cho rằng, trong những năm qua, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực trung tâm quan trọng trong không gian địa chính trị toàn cầu. Dự báo, trong thập niên tới, khu vực này tiếp tục là tiêu điểm chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã định hình lại các mối quan hệ quốc tế. Điều này đã thúc đẩy các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đánh giá lại, và điều chỉnh các chính sách đối ngoại.

Trong nỗ lực giải quyết những thách thức do cạnh tranh ngày càng gia tăng, các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tìm cách thúc đẩy các cơ chế mới nhằm tăng cường hợp tác cũng như phòng vệ. Một hiện tượng hợp tác thu hút sự chú ý trong thập kỷ qua là chủ nghĩa đa phương nhỏ với các đối tác có cùng chí hướng để giải quyết các thách thức chiến lược chung không thể giải quyết thông qua các khuôn khổ đa phương mở rộng. Mỹ là một quốc gia đi đầu về chính sách này với các nhóm bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), tam giác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, Liên minh quân sự ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS), hợp tác an ninh Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines.

Thúc đẩy hợp tác trong cơ chế đối tác ba bên giữa Mỹ với Australia, Nhật Bản cũng nằm trong chiến lược hiện thực hóa tham vọng kết nối giữa các đồng minh để cùng chia sẻ lợi ích, giá trị và nhận thức chung về các mối đe dọa an ninh, nhằm tạo sự cân bằng quyền lực thuận lợi cho việc duy trì trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top