Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga: Lo ngại leo thang xung đột

14:19 - Thứ Năm, 21/11/2024 Lượt xem: 339 In bài viết

Nga xác nhận, Ukraine đã tấn công tỉnh miền Tây Bryansk của nước này bằng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp, vào ngày thứ 1.000 của cuộc xung đột. Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi Điện Kremlin mở rộng diện cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân theo học thuyết mới. Điều này làm dấy lên những lo ngại về viễn cảnh căng thẳng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát...

Binh sĩ Ukraine điều khiển pháo tự hành tại khu vực gần thị trấn Chasiv Yar ở vùng Donetsk. Ảnh: Oleg Petrasiuk

Lực lượng vũ trang Ukraine phóng 6 tên lửa ATACMS vào khu vực Bryansk hôm 19-11. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và làm hư hại một tên lửa khác, các mảnh vỡ rơi xuống một cơ sở quân sự ở khu vực Bryansk, gây ra hỏa hoạn.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro (Brazil) rằng, Mátxcơva "coi các vụ phóng tên lửa tầm xa do chuyên gia quân sự Mỹ dẫn đường là một giai đoạn chiến tranh mới của phương Tây". Trước đó, Kiev đã nhiều lần sử dụng máy bay không người lái tự sản xuất để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, nhưng với Mátxcơva việc sử dụng vũ khí phương Tây có tầm bắn xa sẽ dẫn đến leo thang nghiêm trọng.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ 2 ngày sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden “bật đèn xanh” cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga sau nhiều tháng cân nhắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin coi quyết định này là dấu hiệu cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Theo nhà lãnh đạo Nga, Ukraine thiếu năng lực kỹ thuật để vận hành ATACMS một cách độc lập và không có hệ thống vệ tinh cần thiết để nhắm mục tiêu chính xác - ngụ ý rằng, NATO đóng vai trò tích cực hỗ trợ cho Kiev sử dụng ATACMS.

Chỉ vài giờ trước khi Ukraine thực hiện tấn công bằng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký học thuyết hạt nhân sửa đổi, hạ thấp ngưỡng sử dụng loại vũ khí này. Việc này giúp Nga dễ dàng thực hiện hành động trả đũa một quốc gia thành viên NATO vì đã hỗ trợ cho Ukraine. Học thuyết sửa đổi đề cập đến việc Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường mà một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.

Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân là câu trả lời của Điện Kremlin cho quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden. “Học thuyết hạt nhân mới có nghĩa là các tên lửa NATO bắn vào Nga có thể được coi là một cuộc tấn công của liên minh này vào Nga. Nga có thể trả đũa bằng WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) nhằm vào Kiev và các cơ sở quan trọng của NATO, bất kể chúng ở đâu…”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Học thuyết cập nhật nêu rõ các mối đe dọa khiến giới lãnh đạo Nga phải cân nhắc tấn công hạt nhân, trong đó nói rằng, một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường, thiết bị bay không người lái hoặc máy bay khác có thể được coi là đáp ứng các tiêu chí này. Điện Kremlin ngày 19-11 nêu rõ, mục đích của học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga là khiến những kẻ thù tiềm tàng hiểu rằng Mátxcơva chắc chắn sẽ trả đũa khi Nga hoặc các đồng minh của nước này bị tấn công.

Về mặt thực địa, giới chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây nhận định, các tên lửa mà Kiev sử dụng, có tầm bắn tối đa 300km, khó có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể cán cân quân sự. Bởi trước đó, Nga đã triển khai nhiều trực thăng và máy bay ném bom tới các căn cứ không quân nằm ngoài tầm bắn của ATACMS. Dẫu vậy, sự xuất hiện của tên lửa ATACMS vẫn mang nhiều ý nghĩa. Bằng cách nhằm vào những mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, Kiev tìm cách chứng minh năng lực đối với các hoạt động chiến lược, thúc đẩy tinh thần và gửi thông điệp về khả năng chiến thắng cho các đồng minh.

Khi cuộc xung đột tiếp diễn, quỹ đạo của cuộc chiến ngày càng khó đoán định. Ukraine phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng, như: Nhân lực suy giảm, khó khăn kinh tế và sự hỗ trợ quốc tế thiếu ổn định... Trong khi đó, vị thế của Nga được củng cố bằng sự tăng cường năng lực quân sự và nền kinh tế phục hồi. Việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS, mặc dù là một cột mốc chiến thuật, nhưng cũng tạo ra rủi ro cho phương Tây. Nếu không có sự thay đổi mang tính quyết định về chiến lược hoặc nguồn lực, cuộc chiến có nguy cơ bế tắc kéo dài, với hậu quả tàn khốc cho cả Kiev và trật tự quốc tế nói chung.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top