Sự kiện và bình luận

Loay hoay giao đất, giao rừng

14:25 - Thứ Hai, 13/11/2023 Lượt xem: 38661 In bài viết

ĐBP- Phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đây là mục tiêu được UBND tỉnh đặt ra trong kế hoạch “Rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023”. Dù đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, lãnh đạo tỉnh phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; ban chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp từ tỉnh tới xã tích cực tham mưu, hỗ trợ song tiến độ giao đất, giao rừng vẫn rất chậm, khó đạt mục tiêu đề ra.

Toàn tỉnh có trên 366.000ha đất lâm nghiệp có rừng, chưa có rừng và chưa thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố đã tiến hành rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 10 việc rà soát, đo đạc, lập hồ sơ địa chính đối với đất lâm nghiệp có rừng đạt 93%, đất lâm nghiệp chưa có rừng đạt 74%; cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có rừng đạt 40%, đất chưa có rừng chỉ đạt 6% so với khối lượng theo kế hoạch. Việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có rừng tại các địa phương trong tỉnh đều chậm, trong đó huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ chưa thực hiện, các địa phương khác đạt thấp. Khó khăn nhất là việc đo đạc ngoài thực địa khi người dân chưa đồng tình, ủng hộ đo đạc, quy chủ đất đai và tâm lý lo sợ giao đất trồng rừng sẽ không còn đất canh tác, sản xuất. Thực tế công tác đo đạc thực địa tại một số địa phương còn thấp ngoài việc thiếu sự ủng hộ, hợp tác của người dân còn do công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả; chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, phương pháp tổ chức triển khai chưa thật sự phù hợp tình hình thực tế địa phương… Quá trình thực hiện, việc phối hợp, hỗ trợ đơn vị tư vấn chưa chặt chẽ, kinh phí hạn hẹp, có địa phương phó mặc cho đơn vị tư vấn thực hiện.

Một nút thắt cần tháo gỡ đó là giao đất, giao rừng phải bàn giao ngoài thực địa. Những năm qua việc giao đất, giao rừng nhưng không bàn giao ngoài thực địa dẫn tới người dân bức xúc, tranh chấp, kiện tụng nhiều năm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Để gỡ nút thắt này cần sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị từ công tác tuyên truyền, vận động cho tới đo đạc, lập hồ sơ, xác định ranh giới ngoài thực địa. Trong khi đó, với địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh, việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Không ít khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn xảy ra tranh chấp hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp để gieo trồng các loại cây lương thực ngắn ngày; nhiều diện tích đất có rừng nhưng chưa được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng nên chưa có cơ sở và căn cứ để thực hiện. Đây cũng là lý do khiến người dân chưa đồng thuận, thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong rà soát, kiểm đếm, đo đạc diện tích đất lâm nghiệp.

Những lý do nêu trên khiến tiến độ rà soát, đo đạc và giao đất, giao rừng của tỉnh rất chậm, khó đạt mục tiêu. Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng theo hướng dễ làm trước, khó làm sau. Những nơi có tranh chấp, chưa xác định được chủ rừng sẽ khoanh lại làm sau; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức thực hiện để làm căn cứ kiểm tra, giám sát. Từ tỉnh tới huyện tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Những vấn đề vượt thẩm quyền đề xuất hướng giải quyết. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của cấp ủy chính quyền, không thể chỉ đơn vị tư vấn. Kinh nghiệm, cách làm của các thôn, bản thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng cũng cần được phổ biến, chia sẻ để các địa phương học tập, áp dụng hướng tới mục tiêu hoàn thành giao đất, giao rừng theo kế hoạch đề ra.

Việc hoàn thành giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp không chỉ xác lập quyền quản lý đối với diện tích đất lâm nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ rừng mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân khi bảo vệ rừng, sản xuất dưới tán rừng. Việc giao đất, giao rừng không thể chỉ phó mặc cho đơn vị tư vấn mà cần sự kết hợp của cơ quan quản lý nhà nước, của huyện, của xã và công tác tuyên truyền của cấp ủy chính quyền địa phương. Khi người dân đồng thuận với chủ trương chung thì việc hợp tác rà soát, kiểm đếm diện tích đất lâm nghiệp với lực lượng chức năng sẽ đảm bảo tiến độ. Khi đã thống nhất hoàn thành, thực hiện tốt nhiệm vụ giao đất, giao rừng sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác giá trị sinh lợi từ rừng.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top