Sự kiện và bình luận
ĐBP - Mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Đây là nội dung đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 109/QĐ-TTg.
Thực hiện mục tiêu đã xác định trong Quy hoạch, tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng. Đây là mô hình mới, nhiều người băn khoăn chưa biết những trục động lực, vùng kinh tế và cực tăng trưởng như thế nào và tác động ra sao tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Tất nhiên, quy hoạch của tỉnh được phê duyệt trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương đã xây dựng, xác định và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch. Do đó, mô hình phát triển của tỉnh đã được xác định, quan trọng là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh triển khai thực hiện các phương án quy hoạch như thế nào trong thực tế để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Quy hoạch đã phê duyệt, 4 trục động lực của Điện Biên gồm: Trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội gắn với Cảng hàng không Điện Biên; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 12; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6; trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. Đây là 4 trục động lực kinh tế gắn với các tuyến giao thông quốc lộ trên địa bàn tỉnh, tạo sự kết nối giữa các huyện, thị trong tỉnh với các địa phương liền kề. Trong đó, trục kinh tế theo quốc lộ 279 là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, là tuyến giao thông tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc. Trục kinh tế này là động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh mà trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Khai thác, phát triển tốt trục động lực kinh tế này sẽ tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trục động lực dọc theo quốc lộ 12 là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam của tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Đây là tuyến giao thông cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận. Tuyến quốc lộ 12 hiện nay mới được sửa chữa, nâng cấp một số đoạn, phần lớn đã xuống cấp cần được đầu tư để tạo sự kết nối với trục quốc lộ 279C, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trục động lực dọc theo quốc lộ 6 là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội); kết hợp với các tuyến đường tỉnh 139, đường tỉnh 146, đường tỉnh 149B tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Điện Biên tới huyện Tuần Giáo ngược đi thị xã Mường Lay là tuyến đường ít được chú ý khai thác, sau quy hoạch tổ chức triển khai sẽ tăng cường kết nối giao lưu giữa các huyện.
Trục động lực còn lại dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại dịch vụ, kết nối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải sang Trung Quốc; có tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn huyện Nậm Pồ, thị trấn Mường Nhé và thị trấn Mường Chà. Đây là tuyến giao thông đi mốc 0 ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, gắn với phát triển du lịch theo hướng phượt, thích khám phá của giới trẻ.
Cùng với 4 trục động lực là 3 vùng kinh tế, trong đó vùng kinh tế I là vùng kinh tế động lực gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; phát triển đa dạng các lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ… Vùng kinh tế II gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch. Vùng kinh tế III gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay; là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản, du lịch thương mại dịch vụ.
Phương án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có 4 cực tăng trưởng là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé. Đây là khu vực đô thị, trong đó thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm hành chính, kinh tế xã hội của tỉnh, đô thị trung tâm vùng Tây Bắc. Do đó sẽ tập trung xây dựng hình ảnh thành phố Điện Biên Phủ là đô thị lịch sử - văn hóa và du lịch; phát triển mạnh vận tải trung chuyển quốc tế gắn với cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc và trục kinh tế Viêng Chăn - Điện Biên Phủ - Côn Minh. Phát triển thị xã Mường Lay thành trung tâm du lịch sinh thái vùng phía Bắc tỉnh, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với văn hóa bản địa. Thị trấn Tuần Giáo phát triển thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Đông tỉnh, thu hút đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực này. Thị trấn Mường Nhé gắn với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái và đặc biệt là thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu biên giới.
Như vậy, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên theo mô hình 4 - 3 - 4 của Quy hoạch tỉnh như đã phân tích, thông tin nêu trên giúp chúng ta hình dung rõ hơn định hướng và mục tiêu phát triển tỉnh hướng tới. Quy hoạch đã phê duyệt, mục tiêu đã xác định, điều cần thiết là cách làm, cách triển khai và sự ủng hộ, đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân để hiện thực hóa khát vọng về một Điện Biên phát triển.