Quyết liệt, trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công

15:21 - Thứ Hai, 03/06/2024 Lượt xem: 27098 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có 105 dự án vốn đầu tư công giải ngân thấp nhất cả nước với tổng vốn chưa giải ngân là 343 tỷ đồng. Đây là con số được Bộ Tài chính đưa ra khi đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công trên toàn quốc đến hết ngày 30/4/2024.

Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng.

Để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả nguồn vốn; đồng thời công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý. Với Điện Biên, việc thu hút đầu tư rất khó khăn vậy vì sao các dự án đầu tư công lại khó giải ngân?

 Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án đạt thấp phần lớn do dự án chậm tiến độ bởi thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp; thủ tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng liên quan nhiều lĩnh vực cần nhiều quy trình. Một số dự án liên quan chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, mất nhiều thời gian thực hiện, ảnh hưởng tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư.

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn do yếu tố chủ quan. Đó là sự thiếu quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện dự án ở một số cơ quan; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan và địa phương có dự án đầu tư chưa nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án. Năng lực lập kế hoạch, hồ sơ dự án còn yếu, có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng là khâu yếu nhất khi hầu hết dự án, công trình không bố trí đủ mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Đơn cử, dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tiến độ rất chậm. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Dự án phải thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng của hơn 1.600 hộ dân có đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa hoàn thành để bàn giao đơn vị thi công.

Một lý do nữa là sự phân bổ vốn cho nhiều dự án. Với 343 tỷ đồng vốn đầu tư công, Điện Biên phân bổ cho 105 dự án dẫn tới việc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc tổ chức thực hiện dự án thi công thiếu trọng điểm làm chậm giải ngân vốn. Trong khi đó, nhiều văn bản, hướng dẫn của Trung ương còn chồng chéo, bất cập gây khó khăn việc triển khai thực hiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tháo gỡ bất cập trong các văn bản hướng dẫn, từ ngày 25/2/2024 Bộ Tài chính bãi bỏ toàn bộ 7 thông tư trong lĩnh vực đầu tư công, như: quy định quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư; quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công...

Việc thực hiện các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao mức sống người dân. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong tổ chức thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. 

Cùng với thực hiện quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, Điện Biên nói riêng và các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nói chung phải tiến hành rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao.

Đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngày 22/3/2024 Thủ tướng Chính phủ có công điện số 24/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cán bộ thực thi có trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng thì Điện Biên sẽ đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, mang lại những công trình thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top