Đánh thức tiềm năng cây dược liệu

09:20 - Thứ Tư, 24/07/2024 Lượt xem: 32521 In bài viết

ĐBP - Diện tích tự nhiên toàn tỉnh hơn 9.500km2, trong đó 70% diện tích đất tự nhiên là đất nông lâm nghiệp cùng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu. Nhận rõ giá trị của các loại cây dược liệu, người dân một số địa phương đã tìm mua giống, ươm trồng vài loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Song để đánh thức tiềm năng cây dược liệu trở thành cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân cần thêm cơ chế, nguồn lực đầu tư, tạo liên kết giữa người trồng, chế biến với tiêu thụ.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế mô hình trồng sâm tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Mai Phương

Cây dược liệu đã được trồng tại một số huyện, gồm: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ. Cây sơn tra, sa nhân, thảo quả, quế... đã được trồng phổ biến ở Tuần Giáo, đặc biệt khu vực nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển trở lên, khí hậu mát mẻ lại phù hợp trồng các loại sâm. Tại một số bản của xã Tênh Phông nơi có độ cao 1.200m so với mực nước biển, người dân đã đưa vào trồng thí điểm cây sâm có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và cả sâm Hàn Quốc. Sau vài năm ươm giống, trồng, chăm sóc, cây sâm phát triển khá tốt, thể hiện sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Phát triển vùng trồng cây dược liệu ở Tênh Phông, năm 2022 Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cùng một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã khảo sát thực tế mô hình trồng sâm tại xã Tênh Phông. Khảo sát thực tế thấy đất Tênh Phông thích hợp để trồng và phát triển các loại sâm song việc trồng của người dân chưa đảm bảo điều kiện kỹ thuật về ánh sáng, lên luống, hạt giống chưa được xử lý trước khi trồng nên hiệu quả chưa cao. Sau khảo sát, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã ký kết chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm với việc tạo màng phủ che mưa, nghiên cứu ánh sáng cho khu vực trồng sâm, làm kỹ đất loại bỏ lá cây khô trên mặt luống...

Ngoài cây sâm, huyện Tuần Giáo phát triển cây sơn tra, thảo quả, sa nhân, quế... đã được người dân chăm sóc, gắn bó từ lâu. Sa nhân và sơn tra là loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng, giúp nhiều hộ vùng cao ở Tỏa Tình, Tênh Phông của huyện Tuần Giáo có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Cây sơn tra thu hoạch quả ngoài việc bán cho tư thương đã có hợp tác xã thu mua, chế biến ngâm quả với mật ong, rượu để quảng bá và tiêu thụ ở nhiều nơi.

Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, thung lũng Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà có khí hậu mát mẻ, phù hợp để trồng cây dược liệu và các loại sâm. Khai thác lợi thế của Thèn Pả, Hợp tác xã 7/5 đã thử nghiệm trồng hơn 2ha cây dược liệu, chủ yếu là cây sâm. Các loại sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, đẳng sâm, cát sâm sau thời gian ươm trồng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Từ mô hình thử nghiệm cho hiệu quả có thể nhân rộng thành vùng nguyên liệu cây dược liệu, cung cấp, chế biến theo hướng tập trung, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khai thác tiềm năng phát triển dược liệu, toàn tỉnh đã trồng gần 2.200ha cây dược liệu các loại, tập trung là quế, sa nhân, sơn tra, thảo quả, sả và vài năm gần đây là một số loại sâm. Trong đó, quế hơn 1.000ha, sa nhân 850ha, sơn tra khoảng 210ha, thảo quả gần 100ha… Theo định hướng phát triển đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ mở rộng diện tích, phát triển gần 4.000ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Vườn ươm giống cây sâm tại bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Xuân Tư

Một số địa phương như huyện Mường Nhé trồng sả Java và đã thành lập cơ sở chế biến tinh dầu sả để thu mua cây sả cho người dân và chế biến sản phẩm tiêu thụ. Khai thác tiềm năng trồng cây dược liệu, huyện Điện Biên trồng sa nhân tím, quế tập trung tại các xã Mường Pồn, Phu Luông, Mường Lói, Pa Thơm... với tổng diện tích hơn 100ha. Sa nhân là loại cây dễ trồng, tận dụng được diện tích dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao trong khi tốn ít công chăm sóc nên thu hút người dân trồng.

Từ thực tế trồng cây dược liệu tại các địa phương trong tỉnh cho thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh khá lớn song việc trồng cây dược liệu của người dân đa số tự phát, quy mô nhỏ, manh mún, chưa có sự liên kết giữa trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, việc tiêu thụ các sản phẩm cây dược liệu hầu hết do người dân bán cho thương lái dễ bị ép giá; có thời điểm được mùa giá thấp hoặc thương lái không đến thu mua người dân không biết chế biến, cất giữ như thế nào. Trong khi đó, toàn tỉnh có 5 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là sả java, sơn tra, bách bộ… nên việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu phụ thuộc vào thương lái. Một vấn đề quan trọng là người dân chưa biết chế biến cây dược liệu, chủ yếu thu hoạch thủ công, bán quả tươi hoặc sơ chế bằng cách phơi khô. Điều này vừa không lưu trữ dược liệu được lâu lại không nâng cao giá trị sản phẩm.

Để khai thác, phát triển bền vững tiềm năng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, chế biến sản phẩm và tiêu thụ dược liệu. Việc trồng loại cây gì, khu vực nào cần căn cứ khảo sát của cơ quan chuyên môn về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tránh tình trạng đua nhau trồng tự phát. Phát triển cây dược liệu cần được quy hoạch thành vùng; xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp qua các hợp tác xã trong việc trồng, thu mua, chế biến dược liệu. Một vấn đề quan trọng là nguồn lực đầu tư phát triển cây dược liệu đặc biệt với loại cây có giá trị kinh tế cao như các loại sâm cần vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực có kỹ thuật trong việc ươm giống, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... Giải quyết nguồn vốn đầu tư, chính quyền địa phương cần kết hợp, lồng ghép việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chương trình, dự án khác để đạt hiệu quả.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top