Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, chống lãng phí

17:26 - Thứ Hai, 11/11/2024 Lượt xem: 5607 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đang triển khai 25 dự án trọng điểm của tỉnh. Đây là những dự án được cấp ủy, chính quyền, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên tiến độ thực hiện của hầu hết dự án đều rất chậm, không đảm bảo kế hoạch đề ra, dù lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

Hiện trạng dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị TP. Điện Biên Phủ tại đường Trần Can, khu vực gần Chợ Trung tâm 3 (ảnh chụp hồi 16 giờ 51 phút, ngày 11/11/2024). Ảnh: Phạm Dương

Khi công trình, dự án không hoàn thành đúng kế hoạch dẫn tới sự lãng phí không nhỏ. Sự lãng phí đang diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, gây không ít hệ lụy, suy giảm nguồn lực, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí và hơn cả làm mất cơ hội phát triển. Việc chống lãng phí cần được tiến hành song song với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để phá bỏ rào cản phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng thời cơ phát triển.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Ngày 1/11, kiểm tra thực tế một số dự án trọng điểm, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường yêu cầu chủ đầu tư quyết liệt đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Ngoài nghe báo cáo từ các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, Bí thư Tỉnh ủy còn dành thời gian gặp gỡ đại diện 6 hộ gia đình tại phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) chưa bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Đường động lực. Động viên, chia sẻ tâm tư của các hộ dân, Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu rõ vai trò của các dự án trọng điểm khi đưa vào sử dụng sẽ tạo đột phá tích cực về diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền mong muốn người dân hiểu và hợp tác, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Trong số 25 dự án trọng điểm đang triển khai có 8 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 7 dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị không sử dụng vốn đầu tư công và 10 dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị phục vụ hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị đã khẩn trương triển khai, tập trung máy móc, nhân lực thi công. Khắp các tuyến đường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ hiện nay đang phổ biến tình trạng đơn vị thi công đào rãnh, vỉa hè hai bên vừa gây ách tắc giao thông vừa tạo bụi đất. Đó là việc khó tránh khỏi khi thi công, cải tạo hạ tầng, nâng cấp giao thông...

Kiểm tra thực tế các dự án trọng điểm cho thấy hầu hết dự án chậm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư. Đến đầu tháng 11, dự án Đường động lực có tổng giá trị khối lượng thi công đạt khoảng 60% khối lượng hợp đồng. Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội mới có huyện Điện Biên phê duyệt phương án đền bù, giải phóng 35,8ha mặt bằng trong khi TP. Điện Biên Phủ chưa phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh chậm tiến độ cũng do không có mặt bằng thi công. Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sử dụng vốn ngoài đầu tư công đang thực hiện khâu giải phóng mặt bằng. Các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang tập trung triển khai để hoàn thành đúng thời gian.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ hết năm 2024 do đó các công trình, dự án cần đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo gỡ vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư đưa công trình vào sử dụng. Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế công trình trọng điểm, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị nêu cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực hiện nhiệm vụ, tập trung cao độ thi công; tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công 3 ca, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm; xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Hiện trạng dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị TP. Điện Biên Phủ tại điểm ngã tư giao đường Hoàng Công Chất - đường Trường Chinh, khu vực Trường Tiểu học Điện Biên Phủ (ảnh chụp hồi 16 giờ 42 phút, ngày 11/11/2024). Ảnh: Đức Duy

Dự án Đường động lực, Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình đang là những dự án trọng điểm chậm tiến độ, vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đây là những dự án người dân chưa bàn giao hết mặt bằng do khó xác định nguồn gốc đất ven sông suối, không thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định...

Để đảm bảo giải ngân trên 95% nguồn vốn đầu tư công năm 2024 và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn nữa, chủ động linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau chuyến kiểm tra thực tế và nghe ý kiến người dân, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đã yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương, chủ đầu tư học hỏi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Rõ ràng, các dự án không hoàn thành đúng tiến độ, kéo dài gây lãng phí nguồn lực tài chính, tài sản công, đặc biệt là lãng phí cơ hội phát triển của địa phương. Do đó phải coi đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để mọi chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí sẽ rất khó khăn, phức tạp; phải có sự tham gia đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng người dân. Xử lý lãng phí cần xem xét ngay trong bộ máy công quyền; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công, cản trở thi công các công trình, dự án. Việc cố tình chậm và không bàn giao mặt bằng khi chính sách đã áp dụng đúng cũng cần xem xét, xử lý.

Hiện nay, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh trước hết phải nêu cao trách nhiệm, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top