Bóng đá phong trào lên tầm cao mới

14:12 - Thứ Tư, 12/07/2023 Lượt xem: 5855 In bài viết

ĐBP - Bóng đá phong trào, bóng đá “phủi” bắt nguồn từ tình yêu bóng đá; đa số người chơi đều không phải vận động viên chuyên nghiệp. Các trận đấu có thể diễn ra ở bất cứ đâu, chỉ cần một sân bãi, trái bóng và có nhiều người chơi. Những năm gần đây, phong trào đá bóng ở huyện Ðiện Biên ngày càng phát triển hơn, từ người chơi đến cơ sở vật chất sân bãi, trọng tài và các giải đấu giao lưu…

Cầu thủ phong trào đến từ các xã thuộc huyện Ðiện Biên thi đấu tại sân cỏ nhân tạo Thành Hoàng, xã Noong Hẹt.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào TDTT của tỉnh, đặc biệt là phong trào chơi bóng đá. Trước kia các trận đấu giao hữu bóng đá chỉ diễn ra ở sân đất, sân ruộng và nhỏ lẻ giữa các cầu thủ trong thôn, với mục đích chơi bóng để vận động, rèn luyện sức khỏe. Vài năm trở lại đây, sân cỏ nhân tạo trở thành điểm đến hấp dẫn của những người chơi bóng đá “phủi”, bởi cơ sở vật chất, cũng như sự an toàn trong khi chơi môn thể thao vua.

Mỗi chiều, hết giờ làm, dạo một vòng tại các sân cỏ, mọi người không khó gặp không khí vui nhộn, tiếng hò hét cổ vũ của khán giả, cùng những pha bóng kịch tính, máu lửa của các cầu thủ không chuyên. Họ đều là các thanh, thiếu niên sinh sống trên địa bàn huyện, điểm chung duy nhất hấp dẫn họ đến sân cỏ là tình yêu đối với trái bóng tròn.

Anh Ðinh Ðăng Ðịnh, xã Thanh An chia sẻ: Trước kia chỉ chơi bóng cho khỏe, mấy thanh, thiếu niên không kể độ tuổi kiếm một bãi đất bằng trong làng làm cọc gôn, chia đội là có thể đá. Ðối với nhiều người chơi bóng đá tốt hay không tốt không quan trọng, miễn vào sân, được chạy, được chạm vào trái bóng là được. Ðồng thời, khi đá cũng ít có trọng tài, kỹ thuật, mạnh ai người ấy đá, ít có sự phối hợp ăn ý, và kỹ thuật nên chỉ dừng lại ở việc chơi vui. Việc tổ chức các giải đấu cũng rất ít, muốn đấu giải thì phải lên thành phố, có sân tốt thì mới tổ chức được nên phong trào kém phát triển, bị bó hẹp trong làng, xã.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế ngày một phát triển, các sân bóng, bãi tập nhiều lên, người chơi, người đam mê bóng đá phủi có nhiều sự lựa chọn hơn về sân bóng, bãi tập. Huyện Ðiện Biên có vài ba sân cỏ nhân tạo với đầy đủ dịch vụ, như bán nước, mượn bóng, thuê trọng tài, đèn chiếu sáng, lưới bao… để đảm bảo các nhu cầu cần thiết của người chơi. Ðến với sân bóng Thành Hoàng, xã Noong Hẹt, cứ khoảng 5 giờ chiều là tập trung rất đông các cầu thủ và khán giả. Họ không chỉ là thanh, thiếu niên của một làng, một xã mà quy tụ từ nhiều xã khác nhau trên địa bàn, như: Noong Hẹt, Thanh An, Pom Lót, Sam Mứn, Noong Luống. Có thể thấy, việc giao lưu, thi đấu của thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện cùng trái bóng tròn phát triển, lan tỏa rộng rãi.

Anh Trần Công Dũng, chủ sân bóng Thành Hoàng cho biết: Những năm gần đây phong trào bóng đá phủi ở huyện phát triển rất mạnh; việc giao lưu không bị bó hẹp, các giải đấu xã hội hóa được tổ chức diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào mùa hè. Hiện nay sân bóng thì không ít nhưng sân bóng đáp ứng đủ yêu cầu chất lượng để đá, tập luyện hoặc tổ chức các giải xã hội hóa trong huyện thì còn thiếu. Như tại sân Thành Hoàng, khi tổ chức giải đấu, các cầu thủ không trong đội tuyển thì không được vào sân, phải ở ngoài làm khán giả. Sau các giải đấu, các cầu thủ đá giao lưu trả tiền nước, tiền sân thì việc chia đội cũng không quá nặng nề, ở đội nào, đối thủ là ai không quan trọng, mọi cầu thủ đến sân đều vì đam mê với trái bóng, mọi người luân phiên thay nhau đá. Có những người phải làm khán giả bất đắc dĩ gần hai tiếng mới đến lượt vào sân. Chính vì vậy, để phối hợp với lối đá của đồng đội ngẫu nhiên, đòi hỏi các cầu thủ phải thích nghi, học hỏi, phát triển các kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, chính điều này là chất xúc tác để mỗi cầu thủ ngày một đá tốt hơn, hay hơn.

Phong trào bóng đá “phủi” ở huyện Ðiện Biên đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mọi thứ dần chuyên nghiệp, chỉn chu hơn, từ cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện; sự chuyên nghiệp trong các giải đấu xã hội hóa; cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cầu thủ. Sức lan tỏa của môn bóng đá cũng rộng rãi trong cộng đồng. Hi vọng trong thời gian tới phong trào bóng đá “phủi” sẽ ngày càng phát triển, được đầu tư thêm về cơ sở vật chất để thúc đẩy môn thể thao vua ngày càng lớn mạnh; qua đó tạo điều kiện để phát hiện, ươm mầm những cầu thủ trẻ, tiềm năng phục vụ cho nền thể thao tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top