Giải mã công thức “hóa rồng” của bóng chuyền nữ Thái Lan

15:43 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 6369 In bài viết

Năm 2001, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu lọt vào một trận chung kết SEA Games và để thua Thái Lan. Từ đó đến nay, Việt Nam đã thua 10 trận chung kết SEA Games khác, nhưng vị thế 2 đội tuyển đã hoàn toàn trái ngược. Trong khi bóng chuyền nữ Việt Nam chưa thể thoát khỏi Đông Nam Á, còn Thái Lan đã tiến ra thế giới.

Không cùng đẳng cấp

Thật thú vị khi biết trong những ngày đầu tháng 8, môn thể thao được người hâm mộ Việt Nam quan tâm nhất lại không phải là bóng đá. Theo thống kê từ trang tìm kiếm Google News, phần lớn khán giả Việt Nam đã liên tục tìm thông tin từ môn bóng chuyền, bởi đây là thời điểm diễn ra chặng 1 giải vô địch Đông Nam Á SEA V.League.

Thái Lan hiện có đội bóng chuyền nữ đẳng cấp thế giới.

Diễn ra từ ngày 4-6/8 tại tỉnh Vĩnh Phúc, SEA V.League 2023 chặng 1 dành cho nữ có 4 đội tuyển hàng đầu khu vực góp mặt: Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Lợi thế sân nhà giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu ấn tượng. Tuy nhiên, họ chưa thể vượt qua người Thái. Đội tuyển Việt Nam nhận thất bại chung cuộc 1-3 trong trận chung kết, qua đó đứng vị trí thứ hai tại giải.

Trước đó, tại SEA Games 32, bóng chuyền nữ Thái Lan cũng đánh bại Việt Nam trong trận chung kết. Nhìn vào lịch sử, họ đã liên tục vô địch SEA Games từ năm 1995 đến nay. Việt Nam là đội tuyển thách thức Thái Lan bảo vệ tấm HCV nhiều lần nhất, nhưng đã thất bại 11 lần. Ở 11 trận đấu đó, các vận động viên (VĐV) Việt Nam chỉ thắng được 3 set.

Nhiều khán giả đã chỉ trích các tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam sau khi để thua Thái Lan trong trận chung kết SEA Games vừa qua. Luận điểm được đưa ra thật đơn giản: Tại sao trong hơn 20 năm, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chưa thể đánh bại Thái Lan dù chỉ một lần? Phải chăng các VĐV Việt Nam thi đấu thiếu nỗ lực, quyết tâm?

Để trả lời cho câu hỏi đó, hãy thử lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc. Đinh Thị Trà Giang được ví như "chị cả" ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, với kinh nghiệm gần 15 năm khoác áo đội tuyển quốc gia. Chị từng xuất ngoại, trải nghiệm môi trường bóng chuyền ở Thái Lan. Không ai khác ngoài Trà Giang có thể nhận xét đúng về sự khác biệt giữa nền bóng chuyền ở hai quốc gia.

Trà Giang từng viết: "Nhiều người không biết, không hiểu Thái Lan đầu tư như thế nào, họ tạo điều kiện cho VĐV ra sao, họ làm hệ thống bóng chuyền trên đất nước họ từ cấp đội tuyển đến câu lạc bộ, trường học ra sao. Vì thế, mọi người thường nghĩ tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có thể thắng Thái Lan, rồi khi đội nhận thất bại thì phải nhận chỉ trích, so sánh".

Trên thực tế, những gì Trà Giang nói không sai. Trong 2 thập niên làm bá chủ bóng chuyền nữ Đông Nam Á, Thái Lan đã dần vươn mình trở thành một trong những thế lực của châu Á cũng như thế giới. Ít ai biết bóng chuyền nữ Thái Lan đã 2 lần lên ngôi vô địch châu Á, và họ từng lọt vào top 8 thế giới ở thời điểm cuối năm 2022.

Bóng chuyền như bóng đá

Đánh giá về tiềm năng của lứa VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại, Trà Giang viết: "Các em đều là những tuyển thủ tốt, giỏi, tiềm năng không thua VĐV Thái Lan. Chỉ mong các em được đầu tư, tạo điều kiện để vươn xa hơn nhiều so với mức hiện tại. Chúng ta không thua Thái Lan trên sân, nhưng thua họ ở cái khác". Vậy những điểm khác Trà Giang muốn nhắc đến ở đây là gì?

Mô hình phát triển toàn diện giúp bóng chuyền nữ Thái Lan luôn có nguồn vận động viên mới.

Đầu tiên, hãy thử tìm hiểu mô hình phát triển của bóng chuyền Thái Lan suốt 2 thập niên qua, đặc biệt là bóng chuyền nữ. Kể từ năm 2005, Thái Lan đã chuyên nghiệp hóa giải bóng chuyền quốc gia khi áp dụng mô hình thi đấu lượt đi - lượt về, đồng thời có hệ thống lên xuống hạng giống như bóng đá. Các câu lạc bộ Thái Lan còn được phép tuyển mộ ngoại binh nhằm nâng cao chất lượng đội bóng.

Trong quá khứ, không ít tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam từng sang Thái Lan thi đấu như Ngọc Hoa, Trà Giang. Điều đó biến giải vô địch bóng chuyền Thái Lan trở thành môi trường cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, khi 8 đội phải thi đấu hết sức để tránh 2 suất xuống hạng. Chỉ có những đội bóng chuyền mạnh nhất Thái Lan mới đủ sức trụ lại ở cấp độ cao nhất suốt một thời gian dài.

Mô hình giải bóng chuyền Thái Lan cũng được sao chép công thức từ hệ thống Grand Final của Mỹ, qua đó giúp tạo sức cạnh tranh và bất ngờ ở từng chặng đấu. Theo thể thức của mùa giải gần nhất, bóng chuyền Thái Lan chia làm 3 chặng. Chặng 1 gồm 8 đội bóng thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, chọn ra 6 đội lọt vào vòng tiếp theo. 2 đội có kết quả tệ nhất phải xuống hạng.

Đến chặng đấu thứ hai, 6 đội lại thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra 4 đội có kết quả tốt nhất đấu vòng tròn chung kết (Grand Final). Kết quả thi đấu của từng chặng không được cộng dồn. Vì thế, một đội vô địch chặng đầu hoàn toàn có thể bị loại ở chặng tiếp theo nếu không giữ vững phong độ thi đấu.

Mỗi mùa giải bóng chuyền của Thái Lan kéo dài trong vòng 6 tháng. Ở những khoảng thời gian còn lại, VĐV Thái Lan luôn bận rộn với những giải đấu quốc tế ở cấp độ câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia. Lịch thi đấu này giúp VĐV có thể thi đấu liên tục, qua đó không ngừng tích lũy, trau dồi kinh nghiệm ở đấu trường đỉnh cao.

Cuối cùng, một chi tiết thú vị khác về bóng chuyền Thái Lan là hệ thống thi đấu của họ được tổ chức bài bản, quy củ từ lứa tuổi U13 đến lứa VĐV trưởng thành. Đây là điều kiện tiên quyết giúp Thái Lan luôn có lứa VĐV kế thừa qua nhiều năm, chứ không phụ thuộc thành tích vào một nhóm "thế hệ vàng" nào cả.

Ít ngày sau khi vô địch SEA V.League 2023 chặng đầu tiên, bóng chuyền Thái Lan tiếp tục gây chú ý khi đánh bại Trung Quốc ở giải vô địch U19 nữ châu Á. Thành tích đó, bên cạnh những trận đấu ấn tượng của đội lớn tại Volleyball Nations League, giải đấu quy tụ những đội tuyển mạnh nhất thế giới, cho thấy bóng chuyền nữ Thái Lan đã thực sự trở thành một đối trọng trên tầm quốc tế.

Những "bản sao" của Thái Lan

Trước kỷ nguyên Thái Lan, Philippines là quốc gia có đội tuyển bóng chuyền nữ mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng trong những năm gần đây, cái tên nhanh chóng nổi lên như một đối trọng đe dọa vị trí số 2 trong khu vực với đội tuyển nữ Việt Nam là Indonesia. Năm 2017, họ từng lọt vào chung kết SEA Games, đẩy Việt Nam xuống tranh HCĐ.

Những trận đấu giữa đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và Indonesia thời gian gần đây cho thấy trình độ 2 đội không có quá nhiều khác biệt. Nếu như hàng công của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có Thanh Thúy, Kiều Trinh, Như Quỳnh; thì Indonesia cũng sở hữu nhiều tuyển thủ xuất sắc như phụ công Wilda Nurfadhilah và đặc biệt là chủ công Megawati Hangestri.

Năm nay 24 tuổi, Megawati được đánh giá là một trong những tài năng xuất sắc bậc nhất của bóng chuyền nữ Indonesia. Sau khi thi đấu ấn tượng ở các giải đấu trong nước, Megawati xuất ngoại với điểm đến là Thái Lan và Việt Nam. Mới đây, cô quyết định sang Hàn Quốc chơi bóng khi đầu quân cho Daejeon KGC, một trong những CLB mạnh nhất xứ sở kim chi.

Những VĐV như Megawati và Wilda là sản phẩm của chương trình đào tạo bóng chuyền chuyên nghiệp Indonesia. Xứ vạn đảo luôn sở hữu đội bóng chuyền nam mạnh nhất nhì Đông Nam Á, và họ đã áp dụng công thức đó vào bóng chuyền nữ. Mô hình phát triển của bóng chuyền nữ Thái Lan cũng được Indonesia tham khảo nhằm phát hiện ra những Megawati mới trong tương lai.

Sự lớn mạnh không ngừng của bóng chuyền nữ Indonesia biến họ trở thành một trong những đối trọng lớn nhất cho vị trí thứ 2 trong khu vực với Việt Nam. Vị trí số 1 có lẽ vẫn thuộc về Thái Lan trong nhiều năm nữa. Bởi, trong bối cảnh các VĐV Việt Nam và Indonesia mới bước ra khỏi Đông Nam Á, các đồng nghiệp Thái Lan đã vươn xa sang tận châu Âu.

2 chủ công Ajcharaporn Kongyot và Chatchu-on Moksri của Thái Lan hiện đang đầu quân cho Sariyer Belediyespor, một trong những đội bóng mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Pornpun Guedpard đảm nhiệm vị trí chuyền hai tại Rapid Bucuresti, câu lạc bộ của Romania. Ngoài ra Thái Lan còn có 4 tuyển thủ đang thi đấu ở Nhật Bản. Họ chính là những người biến tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan thành lực lượng thiện chiến bậc nhất châu Á.

Phát triển mất cân bằng

Nếu nhìn vào thực tế, bóng chuyền Thái Lan cũng đang gặp phải vấn đề phát triển mất cân bằng. Áp dụng cùng một mô hình phát triển nhưng Thái Lan lại gặt hái thành công ngoài mong đợi với bóng chuyền nữ. Trong khi đó, đội tuyển bóng chuyền nam Thái Lan thường vướng phải những kết quả dưới mức kỳ vọng, đặc biệt là thời gian gần đây.

Tại SEA Games 32, đội tuyển bóng chuyền nam Thái Lan bất ngờ thua chủ nhà Campuchia 2-3 trong trận bán kết. Đó là trận đấu Thái Lan thắng trước 2 set, nhưng sau đó bất ngờ để thua đối phương trong cả 3 set còn lại. Sau đó đội tuyển Thái Lan tiếp tục nhận thất bại 0-3 trước Việt Nam trong trận tranh HCĐ. Ở vòng bảng, Thái Lan từng thắng Việt Nam 3-1.

Thời kỳ hoàng kim của bóng chuyền nam Thái Lan là giai đoạn 2011-2017, khi họ có 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games. Nhưng trong 3 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển nam của nước này đều không thể lọt vào trận tranh HCV. Nếu như đội tuyển nữ Thái Lan luôn thi đấu rất ổn định, thì đội tuyển nam thường chơi bất ổn trong những thời khắc quan trọng nhất.

Tại đấu trường châu Á, thành tích của bóng chuyền nam Thái Lan cũng không thực sự ấn tượng. Họ từng có thời điểm lọt vào top 5 đội mạnh nhất châu lục, nhưng ngày một trượt dài trên bảng xếp hạng thời gian gần đây. Trong mùa giải vô địch châu Á 2021, tuyển bóng chuyền nam Thái Lan chỉ xếp hạng 15 chung cuộc.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top