Vấn đề tuần này

Văn hóa - ngọn đuốc soi đường

08:12 - Thứ Năm, 06/01/2022 Lượt xem: 5567 In bài viết

ĐBP - Văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng đã xác định văn hóa là một trong ba mặt trận trọng tâm: Kinh tế - Chính trị - Văn hóa. Phát triển văn hóa phải theo hướng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, như ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng về nhận thức, về phương châm của hoạt động văn hóa...

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội...

Xác định rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, trong đó có công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngày 29/7/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu, nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung.

Không phải gần đây vấn đề gìn giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa mới được quan tâm, chú trọng. Mà từ nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định văn hóa các dân tộc là nguồn lực to lớn và cũng là đối tượng để triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch… với mục tiêu phát triển toàn diện đời sống nhân dân như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, kết quả đạt được rất to lớn. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; nhận thức của nhân dân trong việc tự bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống có nhiều chuyển biến. Người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, kiểm kê, lưu giữ; văn hóa vật thể, phi vật thể, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội… được bảo tồn và phát huy giá trị, khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc một cách sâu rộng; góp phần to lớn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, kinh tế phát triển, chính trị ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo.

Triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 có nhiều thuận lợi, khi những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước đây đã được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Cùng với đó, ngành chuyên môn đã tham quan, học hỏi, nghiên cứu cách làm hay, mới, khoa học của tỉnh bạn, các vùng miền khác nhau, khi áp dụng vào thực tế địa phương sẽ đạt kết quả tích cực.

Để phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là khu vực vùng cao, biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... chúng ta cần phải coi trọng công tác bảo tồn, phát triển văn hóa là việc làm thường xuyên, liên lục, được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa về văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo văn học nghệ thuật, xây dựng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo. Tăng cường tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Ưu tiên hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác văn hóa có năng lực, nhiệt huyết, có trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cần chú trọng hơn đến yếu tố gia đình, dòng họ, dân tộc, cộng đồng thôn, bản, Nghệ nhân dân gian - những người am hiểu và nắm giữ di sản văn hóa các dân tộc. Một mặt, cần đảm bảo đủ, kịp thời kinh phí cho những nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Giải quyết tốt những vấn đề cốt yếu này sẽ góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát triển nền văn hóa các dân tộc trong tỉnh đảm bảo đa dạng, phong phú, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top