ĐBP - Để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng xa trong tỉnh, những năm qua các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, đưa văn hóa nghệ thuật đến với đồng bào các dân tộc. Những thước phim, hình ảnh được trình chiếu không đơn thuần là “món ăn tinh thần” của người dân vùng cao mà còn là kênh tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy đời sống của người dân phát triển.
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn… với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, hiểu biết và chấp hành pháp luật hạn chế. Do đó công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân luôn có ý nghĩa quan trọng. Những năm qua, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên các đội chiếu phim lưu động hướng về cơ sở, nhất là những nơi chưa có điện lưới quốc gia là “vùng lõm” về văn hóa, thông tin.
Cùng tham gia một buổi chiếu phim lưu động, chúng tôi mới thực sự cảm nhận phần nào những vất vả của người làm nghề này. Để có được một buổi chiếu phim, nhất là ở những bản vùng sâu, vùng xa, họ phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị phương tiện, trang bị, máy móc. Tiếp đó là cơ động đến vị trí chiếu bóng thường là những bản xa xôi, giao thông chia cắt. Cán bộ, nhân viên chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối đến các điểm chiếu. Điểm chiếu phim nào gần thì mất vài tiếng đi bộ, còn thôn, bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mới đến nơi. Mùa nắng đã vất vả, mùa mưa còn vất vả hơn, thậm chí nguy hiểm do mưa lũ, đường trơn trượt, sạt lở... Song thành quả lớn nhất họ nhận được chính là niềm vui của người dân sau mỗi buổi chiếu bóng và đặc biệt qua những thước phim, hình ảnh, nội dung đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân.
Anh Hà Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động số 1 (địa bàn huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và 4 xã vùng ngoài TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Để chuẩn bị một buổi chiếu phim, các thành viên trong đội đã phải lên kế hoạch trước đó cả tuần, từ khâu chọn phim chiếu cho phù hợp với người xem đến việc chuẩn bị máy móc, thiết bị và máy nổ. Trong đó, khó khăn nhất là công tác vận chuyển máy móc thiết bị vào bản. Vào mùa mưa, từ trung tâm huyện vẫn còn một số xã chỉ đi được xe máy, còn hầu hết phục vụ các điểm bản phải đi bộ. Mỗi chuyến đi thường mất gần cả tháng. Kết thúc buổi chiếu phim, thu dọn xong đồ nghề cũng ngót nghét 12 giờ đêm. Nơi ngủ có khi là nhà dân cũng có khi ngủ tại nhà văn hóa. Mùa hè thì nóng nực, còn mùa đông lạnh thấu xương… Dù mệt, vất vả nhưng nhìn những gương mặt rạng ngời của bà con từ người già đến trẻ em khi xem phim đã thôi thúc cả đội tiếp tục hành trình, vượt qua mọi gian nan.
Khó khăn là vậy, nhưng các đội chiếu phim luôn nỗ lực hết mình, bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp để phục vụ đồng bào. Các buổi chiếu phim lưu động, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, còn trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 3 đội chiếu phim lưu động, phụ trách tất cả các huyện (trừ TX. Mường Lay). Năm 2021, vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, giao thông, đơn vị đã thực hiện 1.346 buổi chiếu phim lưu động và tuyên truyền xe loa phục vụ cơ sở; trong đó có 387 buổi chiếu phim lưu động với gần 415 nghìn lượt người xem. Nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, hình thức tuyên truyền phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào, thuyết minh bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số: Thái, Mông. Trong đó tập trung tuyên truyền chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống các loại tội phạm, ma túy, bạo lực gia đình, an toàn giao thông, hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình; nâng cao tinh thần đoàn kết quân dân; chống các luận điệu xuyên tạc, các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu... Ngoài ra, những dịp chiếu phim lưu động, các thành viên đội chiếu phim còn tranh thủ giúp người dân sửa chữa nhà cửa, thu hoạch nông sản.
Khó khăn, vất vả đối với những người làm công tác chiếu phim lưu động thì khó có lời nào diễn tả hết và hiệu quả của các đợt chiếu phim cũng khó mà đong đếm được. Thông qua hoạt động chiếu phim lưu động nhận thức của bà con ngày một thay đổi theo hướng tích cực; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang từng ngày “thấm dần” vào cuộc sống, người dân tuân thủ pháp luật, sống trách nhiệm, đoàn kết. Nhằm nâng cao hơn nữa công tác chiếu phim lưu động, thời gian tới Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh tiếp tục biên tập các nội dung tuyên truyền, lựa chọn nguồn phim nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào và thực tế tại các địa phương. Chỉ đạo các đội chiếu phim hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, bổ sung và nâng cấp các trang thiết bị, điều kiện làm việc của các đội... để đáp ứng nhu cầu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.