Con Hổ trong văn hóa người Việt

08:26 - Thứ Ba, 01/02/2022 Lượt xem: 4863 In bài viết

ĐBP - Con Hổ là một hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam từ xưa cho đến nay. Đối với văn hóa Việt Nam, Hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song. Hình ảnh con Hổ đi vào văn hóa dân gian Việt Nam một cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít có dân tộc nào trên thế giới con Hổ được mang nhiều tên gọi như ở Việt Nam.

Hình tượng con Hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân người Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con Hổ, điều này cho thấy Hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân trọng, được nhân dân thờ cúng trong các miếu, đền. Hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ ở phố Hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Ngoài ra, Hổ đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc khác. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại như “Trí khôn của ta đây”, “Cóc kiện trời”, “Thỏ rừng và hùm xám”, “Con hổ có lá gan chuột nhắt”, “Mèo vẫn hoàn mèo”… Ngoài ra, Hổ còn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Mãnh hổ hành” (Bài hành về con hổ dữ) của nhà thơ Nguyễn Hành, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu... Cũng với những tác phẩm thời kỳ cận đại và hiện đại như: “Thần Hổ” của Tchya, “Đường Rừng” của Lan Khai, “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, “Tây Tiến” của Quang Dũng (với câu thơ: Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người). Hổ còn gợi nguồn cảm hứng mạnh cho nhiều thi sĩ để họ viết nên những bài thơ độc đáo như bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ. Trong hội họa dân gian Việt Nam con người đã thần thánh hóa con Hổ với trường phái tranh Hàng Trống (Hà Nội) chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, hắc hổ, bạch hổ, tứ hổ, ngũ hổ) để treo thờ, với tư cách là những vị thần trấn giữ các phương của trời đất. Hổ còn được thể hiện trong nền hội họa, với biểu tượng về sức mạnh là chúa tể. Có thể thấy điều này qua những bức tranh cổ vẽ cảnh Hổ đang gầm mặt trời. Lúc này, Hổ là anh hùng giang hồ, chống phá lại thể chế, không bị hàng phục dưới bất kỳ một chính thể tập quyền nào. Ngoài Việt Nam ra các quốc gia khác trên thế giới cũng có nhiều tác phẩm hội họa bằng tranh sơn dầu hoặc những tác phẩm khác khắc họa về hình tượng con Hổ. Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nhà cửa, nơi thờ tự… Trong nghệ thuật, con Hổ, biểu trưng cho sức mạnh, được dùng trang trí trên áo quan võ, miếu võ quan, trong chế độ phong kiến, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì Hổ được xem là biểu tượng của quan võ… Tất cả đã góp phần khẳng định vị trí hình tượng con Hổ trong văn hóa dân gian, góp phần tạo nên những nét đặc trưng của nền văn hiến Việt Nam.

Hổ là một mãnh thú dữ tợn và thường được coi là nguy hiểm với con người, tuy nhiên, theo văn hóa truyền thống Việt Nam, Hổ cũng là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, hùng cường, oai phong, có sức mạnh vô song… Trong khi hầu hết những con vật được thờ để cầu may mắn như con Rồng, Kỳ Lân trong văn hóa Việt Nam đều là giả tưởng thì con Hổ là con vật có thật trong cuộc sống.

Hoàng Bích Hà
Bình luận
Back To Top