Làm “sống lại” văn hóa dân tộc

08:08 - Thứ Tư, 02/02/2022 Lượt xem: 6240 In bài viết

ĐBP - Sinh ra và lớn lên trên quê hương Núa Ngam, tuổi thơ gắn với những điệu hát ru từ mẹ. Sau khi học xong, nghệ nhân ưu tú Lường Thị May - người từng có 5 năm làm giáo viên xóa mù chữ tại địa phương đến năm 1980; sau đó, chuyển sang công tác Hội Phụ nữ xã. Cũng từ đây dòng máu văn nghệ trong bà Lường Thị May có điều kiện trỗi dậy và gắn bó với văn hóa truyền thống dân tộc; đặc biệt là nghệ thuật dân gian.

Nghệ nhân Lường Thị May chia sẻ: Khi đó văn hóa văn nghệ xã chưa thực sự mạnh và trở thành phong trào như bây giờ. Đặc biệt, văn hóa truyền thống của dân tộc Lào đang dần bị mai một và thất truyền, từ văn hóa, văn nghệ đến trang phục thường ngày. Trang phục truyền thống của người Lào trong bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, do một số bậc cao niên giữ lại và đã quá cũ. Với vai trò là cán bộ Hội Phụ nữ xã, thông qua các buổi tuyên truyền, các đợt sinh hoạt hội tôi đã vận động chị em trong bản khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc. Trước là để đảm bảo phục vụ nhu cầu của cá nhân, gia đình; sau là lưu giữ nghề truyền thống cha ông. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Lào đã được khôi phục và duy trì. Trong bản hầu như nhà nào cũng có khung cửi để phục vụ nhu cầu gia đình và làm sản phẩm hàng hóa xuất ra thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập được Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Na Sang 2 với trên 20 thành viên.

Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn phụ nữ trong bản các điệu múa truyền thống dân tộc Lào.

Khi là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà May luôn tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Từ đây bà bắt đầu tìm hiểu, ôn lại các bài hát ru, hát giao duyên, cưới hỏi, hát mừng bản mừng mường, hay các điệu múa lăm vông, múa vui mùa vụ đã được mẹ truyền dạy, và tìm hiểu qua các bậc cao niên trong bản để thực hành và biểu diễn trong các dịp lễ, tết, các cuộc thi văn nghệ tại địa phương. Năm 1992, bà Lường Thị May, đại diện cho tỉnh Lai Châu (cũ) tham gia cuộc thi Hát ru tại TP. Huế và đoạt giải nhất. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, bà May có nhiều thời gian dành cho loại hình văn hóa dân gian của dân tộc. Ngoài các điệu múa, các trò chơi dân gian, bà bắt đầu sưu tầm tài liệu về các bài cúng, các lễ hội như: Mừng cơm mới; lễ tạ ơn; mừng nhà mới; đưa dâu về nhà chồng, múa lăm vông…

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc phục dựng thành công tết Té nước (Bun Huột Nặm) của người Lào. Tết Té nước được tổ chức vào đúng thời điểm tết truyền thống của người Lào (từ ngày 14/4 - 16/4 dương lịch). Tết Té nước gồm phần lễ và hội: Phần lễ với các hoạt động cúng bản, cúng tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu và có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều không may trong năm cũ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian của dân tộc Lào như: Rùa ấp trứng, rắn bắt ngóe, hái dưa chín, hổ bắt lợn, những điệu dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước... Nhờ những cống hiến âm thầm, sự truyền dạy không ngừng nghỉ của bà May cho thế hệ trẻ trong bản. Ngày nay, Tết té nước của dân tộc Lào đã được khôi phục, tổ chức thường niên không chỉ với người Lào ở Núa Ngam mà còn ở một số cộng đồng người Lào khác trong tỉnh. Với những giá trị, ý nghĩa về mặt tinh thần, Tết té nước của dân tộc Lào đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy tuổi tác đã cao (65 tuổi) nhưng nghệ nhân Lường Thị May vẫn miệt mài truyền dạy các bài dân ca, các điệu hát ru, hát giao duyên, cưới hỏi, hát tế lễ, căm bản căm mường; bài múa lăm vông, múa vui mùa vụ và cả một số lễ hội, nghi thức dân gian khác của dân tộc Lào cho thế hệ trẻ trong bản và người Lào ở các xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), Mường Luân (huyện Điện Biên Đông)… có nhu cầu học. Hiện bản Na Sang 1, luôn duy trì 2 đội văn nghệ, một đội văn nghệ của người cao tuổi và đội văn nghệ của hội phụ nữ do nghệ nhân Lường Thị May đảm nhiệm. Đến nay, nghệ nhân Lường Thị May đã truyền dạy loại hình văn hóa dân gian dân tộc Lào cho gần 300 người, đa phần là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Trong số những người trẻ được bà May truyền dạy đến nay đều thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ và tham gia công tác đoàn, hội của xã…

Bà Vì Thị Tích, 52 tuổi, người dân bản Na Sang 1 - một trong số ít người có thể thực hiện thành thạo các bài hát tế lễ, căm bản căm mường… của dân tộc Lào cho biết: Vì thường xuyên đi cùng bà May trong các dịp tết, lễ hội của bản. Đến nay, ngoài việc thuộc các bài dân ca, các điệu hát ru, các bài múa, các trò chơi dân gian của dân tộc Lào… tôi còn biết cách chuẩn bị, sắp lễ vật và thuộc lời các bài hát tế lễ, bài cúng như: Căm mường căm bản; lễ cúng cơm mới, lễ tạ ơn, lễ té nước... Nhờ được nghệ nhân Lường Thị May truyền dạy mà tôi đã hiểu biết hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, có thể truyền dạy lại cho con cháu và thế hệ sau, lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Rời Na Sang, lòng tôi thấy ấm áp và tràn đầy niềm tin. Tin tưởng rằng với những người say mê truyền dạy văn hóa dân tộc như nghệ nhân Lường Thị May và những người có tình yêu, lòng nhiệt huyết với văn hóa dân tộc như bà Vì Thị Tích. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc; những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc sẽ được gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top