Đi chợ nổi Huổi Só

07:20 - Thứ Sáu, 04/02/2022 Lượt xem: 6995 In bài viết

ĐBP - Xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa có hai chợ nổi trên sông: Ở bến Thôn 1 họp vào các ngày 5, 15, 25 hàng tháng và chợ bến Huổi Lóng họp vào ngày 6, 16 và 26 hàng tháng. Chợ sông là nơi giao thương chủ yếu của nhân dân các xã ven sông Đà thuộc các huyện: Tủa Chùa (Điện Biên), Sìn Hồ (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La).

Một góc bến thôn 1, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).

Theo anh Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só: Trước đây, muốn mua sắm quần áo, giày dép hay những vật dụng thiết yếu khác, người dân Huổi Só phải ra thị trấn Tủa Chùa hoặc chờ tới chợ phiên ở vùng lân cận như Tả Sìn Thàng. Nhưng từ khi hồ Thủy điện Sơn La tích nước, lợi thế về đường thủy được phát huy, việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu và ngược lại cũng dễ dàng hơn. Thuyền buôn của thương lái xuôi ngược trên sông Đà cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Vào những ngày họp chợ, đặc biệt là những ngày cận tết, ngay từ sáng sớm những chiếc thuyền buôn như một cửa hàng di động với đủ hàng hóa từ những vật dụng nhỏ bé nhất như cây kim, sợi chỉ đến vải vóc, áo quần; đồ điện tử, máy nổ, ống nước, các loại lưới đánh bắt cá... Trên bến, dân bản tấp nập mang lương thực, nông sản, trứng, rau... bày lên những tấm bạt. Người mua - kẻ bán tấp nập náo nhiệt cả một khúc sông.

Hình ảnh ấn tượng với chúng tôi là trên mặt nước thuyền bè đậu san sát, còn trên bờ là tràn ngập sắc đen hoặc màu chàm trang phục của phụ nữ Dao quần chẹt. Tuy không rực rỡ như trang phục người Mông hay người Thái, người Dao Đỏ, Hà Nhì... nhưng lại tôn lên vẻ đẹp mộc mạc và làn da trắng hồng của người phụ nữ. Vào những ngày đặc biệt hay dịp lễ, tết, phụ nữ người dân tộc Dao diện bộ trang phục truyền thống được thêu chỉ đỏ, chỉ xanh và đính các dải tua se bằng sợi tơ tằm màu hồng ở cổ, tôn thêm vẻ tươi tắn cho gương mặt người phụ nữ; cổ áo và tay áo được may viền vải màu tím. Các chị em còn đội khăn vuông vải đen, đeo các loại trang sức như khuyên tai, vòng tay, vòng cổ… bằng bạc lóng lánh.

Chợ phiên thường 10 ngày mới họp 1 lần và cũng đã duy trì được nhiều năm nhưng mỗi lần đi chợ tôi đều thấy rất háo hức. Đến phiên chợ, mọi người trong bản lại rủ nhau đi, có tiền thì mua, không có tiền thì đi chơi, đi xem. Vui lắm!

Anh Nguyễn Văn Dân, quê ở huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) - một thương lái đã gắn bó với những phiên chợ ven sông Đà lâu năm cho biết: Trung bình một thuyền hàng có trọng tải từ 120 - 130 tấn, đến ngày chợ thì các thuyền thường đi thành từng đoàn khoảng 4 - 5 chiếc, mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày qua 10 - 15 bến dọc theo bờ sông. Những ngày lễ, tết, người dân đi chợ đông thì họp tới trưa, còn ngày thường chợ vắng thì họp chóng vánh vài tiếng.

Người đi chợ vui vẻ bởi không khí chào mời mua bán, và hài lòng với những thứ hàng hóa mua về phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.

Tan chợ, mọi người chia tay nhau trở về với công việc thường ngày, hẹn nhau ở phiên chợ sau.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top