Đưa di sản làng Trường Lưu ra thế giới

14:21 - Thứ Tư, 09/02/2022 Lượt xem: 5287 In bài viết

Trong hệ thống di sản của làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh), đặc sắc nhất là “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ”.

Lễ đón bằng công nhận “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (tháng 10-2018). Ảnh: Ngọc Vượng

Thời gian qua, nhân dân và chính quyền địa phương nơi đây đang tích cực giới thiệu, quảng bá để hai di sản này vươn tầm thế giới.

Dòng họ hiếu học giữ hồn làng

GS, TSKH, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Nga-Việt, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu. Nhắc đến truyền thống hiếu học của quê hương mình, ông Mỹ tự hào nói: “Truyền thống hiếu học của làng Trường Lưu đã được phát huy xuyên suốt 600 năm qua. Trong đó, nổi bật nhất là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), người đã để lại cho đời những giá trị lớn về giáo dục, thơ văn, khoa học lịch sử, địa lý và nhân văn”.

Ông Mỹ cho biết thêm, trong thời gian cáo quan về trí sĩ ở quê nhà, Nguyễn Huy Oánh đã lập “Thư viện Phúc Giang” và mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu”. Đây là một trường giảng tập có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ ở Thăng Long. Ngoài ra, Nguyễn Huy Oánh còn có ruộng học (học điền) do ông bỏ tiền ra tậu, được trích làm giải thưởng cho các học trò giỏi để khuyến khích sự học hành. Nhờ có học điền mà “Trường Lưu học hiệu” đã đào tạo ra hơn 30 "ông Nghè" và mấy trăm "ông Cống". "Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, làng Trường Lưu hiện có 2 giáo sư, 13 phó giáo sư, gần 50 tiến sĩ. Trên cả nước hiện có 45 chi họ Nguyễn Huy thì tại làng Trường Lưu có tới 23 chi họ, mỗi chi họ đều có quỹ khuyến học riêng”, ông Nguyễn Huy Mỹ cho hay.

Làng Trường Lưu hiện có 37 nhà thờ các dòng họ và 10 ngôi nhà cổ khoảng hơn 100 tuổi. Dòng họ Nguyễn Huy có tới 22 nhà thờ, trong đó 4 nhà thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Nguyễn Huy Ninh, Trưởng dòng họ Nguyễn Huy tại làng Trường Lưu cho biết: “Vào ngày Đông chí hằng năm, con cháu họ Nguyễn Huy tề tựu đông đủ tại làng Trường Lưu để tổ chức lễ giỗ cụ thủy tổ. Đây là dịp để các chi họ Nguyễn Huy tổng kết, báo cáo về việc giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học thông qua việc khen thưởng con, cháu trong dòng họ đỗ đạt, có thành tích học tập tốt”.

Ước muốn nâng tầm di sản

Mặc dù chỉ có diện tích 362ha nhưng làng Trường Lưu lại sở hữu hai di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO là “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ”. Trong đó, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là di sản thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của giáo dục đối với triều đình, đất nước và đời sống xã hội, đặc biệt trong việc đào tạo nhân tài từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Toàn bộ “Mộc bản Trường học Phúc Giang” từng có khoảng 3.000 bản, nay chỉ còn 383 bản.  Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Trong khi đó, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là tập sách với phần bản đồ là chính, ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong năm 1765 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, để làm cẩm nang cho chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Được biết, việc tìm kiếm, lưu giữ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là một quá trình nan giải. Theo đó, cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triện (1852-1909) đã bỏ ra 20 năm tìm kiếm, ông đã có được bản sách gốc từ nhà người chú là Tử Quỳnh và đã tự tay sao chép lại hơn 20 ngày mới xong. 

Ngoài “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, làng Trường Lưu còn có một di sản quý khác là Bộ sưu tập di sản Hán Nôm. Bộ sưu tập gồm 173 tài liệu tại 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng và 8 tư gia của làng Trường Lưu (từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20). Đây là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng, bao gồm: Sắc phong, hoành phi, câu đối, gia phả, văn cúng và sách cổ. Đặc biệt, trong phần sách cổ có “Quảng Thuận Đạo sử tập” do Nguyễn Huy Quýnh soạn quãng năm 1775-1785, có tư liệu về chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết: "Hoàng Hoa sứ trình đồ" là một di sản quý, khẳng định vai trò, vị trí của dòng họ Nguyễn Huy trong lịch sử đất nước. Trong năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 6931/UBND-VX gửi Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam về việc đề cử "Hoàng Hoa sứ trình đồ" là di sản tư liệu thế giới của UNESCO. Trong thời gian tới, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” sẽ được in thêm nhiều sách và tổ chức giới thiệu về tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo công chúng biết đến".

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top