Tranh cổ động lan tỏa thông điệp bình đẳng giới

09:19 - Thứ Sáu, 04/03/2022 Lượt xem: 7475 In bài viết

Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Trong đó, tranh cổ động chính là một phương thức biểu đạt hiệu quả, giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp truyền thông về bình đẳng giới trong cộng đồng.

Tác phẩm “Thế giới vui nhộn” của tác giả Vũ La Hiên tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động về giới mang tên “In Art We Trust”.

Chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Quyết định số 1790/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, nhiệm vụ “truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; lồng ghép nội dung truyền thông bình đẳng giới vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức”. Trước đó, trong Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng khẳng định, phải “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Theo đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp được chú trọng là “truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới”.

Để triển khai các chủ trương này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định rõ nhiệm vụ “thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ”, bao gồm việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới.

Về phía địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 31-12-2021 thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, trong đó xác định rõ nhiệm vụ: “Đổi mới về hình thức và phương thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Chú trọng đưa thông điệp bình đẳng giới vào các sản phẩm truyền thông phù hợp, sáng tạo, hiệu quả và có tính lan tỏa tốt, góp phần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới”.

Hiệu quả của truyền thông bằng tranh cổ động

Có thể cảm nhận rõ hiệu quả truyền thông qua các bức tranh cổ động được sáng tác, trao giải và triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội cuối năm 2021, trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác tranh cổ động về giới mang tên "In Art We Trust" do nhóm sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (Wise Vietnam) phối hợp với Heritage Space tổ chức. Các bức tranh cổ động được sáng tác phong phú về chất liệu, theo các thể loại hội họa, đồ họa, collage, minh họa, digital… ở hai định dạng tranh thực thể và kỹ thuật số, nhằm truyền đạt thông điệp ngắn gọn, súc tích tới công chúng, thu hút nhiều gương mặt trẻ tham gia.

Tác giả Phạm Thiên Dương (đoạt giải Nhất với tác phẩm “Nam giới không cứ phải nam tính”) chia sẻ: “Em rất vui khi được sáng tác tranh cổ động bằng phần mềm thiết kế đồ họa trên máy vi tính, nhằm bày tỏ quan điểm của mình về bình đẳng giới”. Còn em Nguyễn Khánh Vy, tác giả được nhận giải Công chúng bình chọn nhiều lượt nhất, với tác phẩm “Gái trai như một - trụ cột tương lai” cho biết: “Tranh cổ động là một trong những hình thức nghệ thuật công cộng, truyền đạt thẩm mỹ bằng ngôn ngữ đồ họa - hội họa cô đọng. Em sáng tác bằng những hình ảnh không quá trừu tượng hay quá phức tạp, chỉ mong truyền tải thông điệp đơn giản, dễ hiểu, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về bình đẳng giới”.

Về vấn đề này, nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng, truyền tải thông điệp về bình đẳng giới qua tranh cổ động mang lại hiệu quả cao, không chỉ thể hiện thẩm mỹ, ý tưởng gần gũi và sáng tạo, mà còn là cơ hội để giới trẻ bộc lộ thái độ, chia sẻ những suy tư, quan điểm về bình đẳng giới. Nghệ thuật thị giác giúp chúng ta thức tỉnh nội tâm, suy ngẫm nhiều hơn về vấn đề mang tính xã hội lớn này, bởi ấn tượng thị giác nhiều lúc có sức mạnh và hiệu quả không kém ngôn từ.

Còn nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông đánh giá, tranh cổ động là một trong những phương tiện truyền đạt thông điệp nâng cao nhận thức xã hội hiệu quả, đang dần được đổi mới nhờ sự phát triển của mỹ thuật kỹ thuật số. Trong xã hội hiện đại, chúng ta có nhiều hình thức để truyền bá hình ảnh ra công chúng qua mạng xã hội, thông qua việc chụp lại các bức tranh, làm các video, clip để lan tỏa mạnh hơn, in trong các bộ sưu tập tem… Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được mối quan tâm chung của xã hội về bình đẳng giới ngày càng rõ ràng, rộng rãi hơn.

Có thể thấy rằng, truyền thông về bình đẳng giới bằng tranh cổ động đem đến bữa tiệc thị giác và nhận thức độc đáo, thú vị, giàu tưởng tượng và cũng giàu ý nghĩa từ các nghệ sĩ đến với khán giả đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top