Về Nà Bủng vui hội Gầu Tào

10:26 - Thứ Bảy, 05/03/2022 Lượt xem: 6513 In bài viết

ĐBP - Sau gần 30 năm không tổ chức, mới đây UBND huyện Nậm Pồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phục dựng lại Lễ hội Gầu Tào truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại bản Nà Bủng 3, xã Nà Bủng. Là một lễ hội lớn, với đủ loại hình nghệ thuật dân gian, Lễ hội Gầu Tào thực sự là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, hẫp dẫn với cộng đồng dân tộc Mông.

Điệu khèn truyền thống làm cho Lễ hội Gầu Tào ngày xuân càng thêm sôi nổi.

Tái hiện nghi lễ xưa

Cũng giống như một số đồng bào dân tộc khác, người Mông quan niệm vạn vật hữu linh. Bởi vậy, bà con luôn tôn thờ các thần linh để bày tỏ sự biết ơn, sự tôn sùng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người được khỏe mạnh, bản làng no ấm. Theo ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ, điều này được thể hiện rõ trong lễ hội Gầu tào, với ý nghĩa chính là cầu mong các vị thần linh phù hộ, che chở cho bản làng sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới, vụ mới. Đồng thời, đây cũng là dịp để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe, chuẩn bị tâm thế bước vào năm mới. Nội dung chủ đạo là cầu may mắn cho bà con tại các bản làng trong ngày đầu năm mới, tuy nhiên nếu có gia đình nào nhiều năm không có con, hay thành viên gia đình hay ốm đau chữa không khỏi thì những gia đình đó sẽ góp lễ vật cho nghi lễ Gầu tào để cầu may. Dù tổ chức theo hình thức nào, lễ Gầu tào phải được tổ chức trong 3 năm liên tục.

Những người Mông lớn tuổi, am hiểu về lễ nghi cho biết, hàng năm, sau khi ăn tết xong, Lễ hội Gầu tào thường được tổ chức từ mùng 2 - 10 để bà con đến giao lưu, học hỏi; một năm cũ qua, năm mới đến, cuộc sống tốt hơn. Địa điểm làm lễ Gầu tào được gọi là Hấu Tào. Đây là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Hấu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu - biểu tượng chính linh thiêng trong lễ hội khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Cây nêu luôn được chọn rất cẩn thận, phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn, đặc biệt là không chọn cây đổ. Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần để xin chặt cây, sau đó mới được chặt. Từ khi chặt và mang về dựng cây nêu thì không được chạm xuống đất. Cây nêu được dựng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Trên phần ngọn cây nêu họ thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một xâu tiền bạc. Dưới gốc cây nêu họ đặt đồ lễ dâng lên các vị thần linh. Để dựng được cây nêu, phải có một đôi gà làm lý của lễ hội, cầu trên đất Nà Bủng, cầu 4 phương (Đông, Tây, Nam, Bắc), sau đó quay 3 vòng một bên và quy lại 3 vòng một bên và tiếp tục thắp hương. Đôi gà không thịt tại chỗ mà mang đi nhà khác để thịt và luộc rồi mang con gà đấy vào tiếp tục làm lý cúng để cầu mong phúc, tài lộc cho bà con nhân dân.

Sớm nay, lễ hội Gầu Tào được phục dựng đúng như những nghi lễ truyền thống mà tổ tiên người Mông bao đời truyền lại. Bên lễ cúng cạnh cây nêu, ông Mùa A Thống, bản Pá Kha, xã Nà Bủng là người thực hiện nghi lễ. Với lễ vật là gà, rượu, ông Thống thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức hội. Ông Thống khấn: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tôi đại diện dân bản ở khu vực xã Nà Bủng xin khẩn cầu với trời đất, thần sông, thần núi nhờ sự che chở của các thần linh đã giúp gia đình bản làng chúng tôi nhà nhà, bản bản sức khoẻ dồi dào, làm ăn, làm mặc khấm khá, con cái khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Nên nay có mâm lễ này để dâng lên các vị thần linh, mời các vị thần linh về ngự tại đây để nhận các lễ vật do dân bản dâng hiến”.  

Nghi lễ cúng dựng cây nêu được phục dựng tại Lễ hội Gầu Tào xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ.

Nô nức về dự hội

Theo những người lớn tuổi kể lại, khi xưa lúc cây nêu được dựng xong, người trong bản trên, bản dưới hay các vùng khác nhìn thấy sẽ biết rằng: Năm nay bản này sẽ mở hội Gầu Tào và dân bản sẽ chuẩn bị quần áo đẹp, bố trí thời gian đi dự hội, trai gái cũng hẹn ước nhau đầu năm đến bên cây nêu gặp mặt. Còn với chương trình năm nay, do điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp, đơn vị tổ chức chỉ mới dừng lại ở phục dựng phần lễ, không tổ chức phần hội. Thế nhưng khi cây nêu đã dựng lên thì khó lòng ngăn cản bước chân của đồng bào dân tộc Mông từ Nà Bủng và một số vùng lân cận về dự.

Trong dòng người nô nức về với hội hôm nay, chị Thào Thị Hoa, xã Nà Bủng hào hứng lắm. Bởi từ thủa bé đến giờ, chị mới được xem nghi lễ Gầu Tào truyền thống. Giấu nụ cười rạng rỡ sau lớp khẩu trang, chị Hoa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đi lễ hội Gầu Tào. Tuy đây mới chỉ là phục dựng lại những nghi lễ chính nhưng tôi cảm nhận được đây là lễ hội rất có ý nghĩa của người Mông chúng tôi. Đến đây thanh niên chúng tôi được vui chơi, thi tài cùng nhau, được giao lưu, tìm hiểu nhau. Nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp phải hạn chế số người nên hội cũng chưa thực sự vui. Mong rằng sang năm tình hình dịch bệnh ổn định hơn, lễ hội Gầu Tào sẽ tiếp tục được gìn giữ và tổ chức để mọi người cùng đến cầu may, cùng vui hội mừng một năm mới nhiều tài lộc.

Đúng như chia sẻ của chị Hoa, buổi phục dựng mới chỉ dừng lại ở các nghi lễ chính, còn phần hội vẫn phải hạn chế ở phạm vi nhỏ các trò tù lu, ném pa pao và một vài tiết mục văn nghệ. Đặc biệt là không thể thiếu tiếng khèn truyền thống của đồng bào Mông. Khi tiếng khèn vang lên, mọi người cùng nắm tay nhau vòng tròn nhảy múa quanh cây nêu. Đặc biệt, tiếng khèn thể hiện được nỗi niềm, chất chứa cảm xúc thiết tha, bồi hồi của những chàng trai, cô gái Mông đầy sức sống mãnh liệt khi mùa xuân đến.

Thế nên, từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào còn trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông. Chàng trai trẻ Giàng A Thái, xã Nà Bủng cũng sửa soạn cho mình bộ quần áo đẹp nhất để đi chơi hội ngày xuân. Cầm quả pao trên tay, Giàng A Thái đang cố tìm cho mình một “đối tượng” trao gửi những niềm riêng. “Tôi là người trẻ tuổi, tìm tới Lễ hội Gầu Tào để tìm hiểu về bản sắc dân tộc mình. Đến đây được vui chơi, được ném pao, gặp gỡ thêm nhiều nam nữ nên tôi rất thích. Trai gái cùng rủ nhau đi ném pao. Ban đầu không quen nhau nhưng quả pao dẫn lối, đưa lời chuyện trò qua lại để trai gái có cơ hội tìm hiểu nhau sâu hơn. Không ít đôi đã thành vợ chồng qua những lần ném pao như thế… Tôi mong rằng mình cũng có thể tìm được một nửa của mình tại lễ hội xuân như ngày hôm nay...” - Giàng A Thái chia sẻ.

Lễ hội Gầu Tào còn một nghi thức quan trọng nữa là Lễ hạ cây nêu. Khi cây nêu được chủ lễ hạ xuống cũng đồng nghĩa với Lễ hội Gầu Tào năm nay đã khép lại. Mọi người cùng tạm biệt nhau để tiếp tục hành trình chơi xuân hoặc trở về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày. Nhưng ai nấy không bảo mà cùng hẹn nhau ngày hội Gầu Tào năm sau lại cùng tụ họp, cùng ném pao, đánh tù lu và cùng vang lên những điệu khèn réo rắt, đắm say lòng người...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top