Tản văn

Mùa khói nương

08:40 - Thứ Năm, 10/03/2022 Lượt xem: 4703 In bài viết

ĐBP - Khi những loài hoa xuân của vùng cao như: đào, lê, mận, mơ… bung nở rực rỡ trên khắp lưng núi, sườn đồi thì dân làng bước vào mùa làm nương. Những đám nương sau vụ đông bỏ không trong sương giá suốt nhiều ngày. Thân ngô, đỗ tương, lạc… đã thu hoạch cùng đám cỏ dại lụi tàn khô đét lại. Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, xác thân chúng vàng vọt, quắt quéo sau khi dâng hết tinh tuý cho đời. Giờ là lúc chúng cần hoá kiếp cho vụ mùa mới sinh sôi.

Ăn tết xong, dân làng lên nương nhổ hết những gì còn bám trên mặt đất chất thành từng đống. Cách vài mét lại để một đống. Khi đám nương đã sạch bóng những xác cỏ, cây thì dân làng bắt đầu châm lửa đốt. Những thân cây khô đét sau bao ngày phơi gió, tắm sương cháy ngùn ngụt. Lần lượt từng đống lửa bốc lên tạo ra những cột khói cao ngút trời. Cột khói trắng xanh như dải lụa hai màu nối từ lưng núi lên trời cao.

Đám trẻ vùng cao thích nhất mùa khói nương. Những lúc tan học, chúng í ới gọi nhau lên những đám nương mới nhổ bỏ cỏ cây, chia nhau ra khắp ngả mót những củ sắn, củ khoai, bắp ngô, củ lạc sót lại từ vụ trước. Những đứa trẻ ngây ngô tung tăng chạy nhảy trên sườn núi, đồi bên những đám khói đang cuộn lên. Xa xa là những vườn mơ, mận bung nở trắng xoá như tuyết điểm xuyết cho bức tranh mùa khói nương đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ người vùng cao.

Khi đã thu hoạch được kha khá “chiến lợi phẩm” cũng là lúc những đống lửa đang lụi tàn để lại tro than nóng rừng rực. Đám trẻ dùng cành cây khô bẻ trên nương cời than ra và bỏ vào đó những gì mót được. Đó là những củ khoai, sắn bị cuốc mất một phần, phần còn lại ngủ vùi trong đất, là những bắp ngô làm càm mà người thu hoạch cố tình bỏ lại vì chúng có rất ít hạt, mang về chỉ mất công, là những củ lạc găm sâu trong đất bị đứt lại khi người thu hoạch nhổ lên. Mỗi củ được phân loại riêng và vùi vào từng đống tro than khác nhau. Trong lúc chờ đợi tro than nướng chín các loại củ, đám trẻ cùng chơi các trò chơi. Chúng ríu ra ríu rít như những con chim non hót vang rừng núi.

Vừa đi học về sẵn cái bụng đói, mùi thơm của các loại củ đã chín toả lan khắp không gian khiến đám trẻ ngừng chơi. Chúng xúm lại chia nhau thưởng thức từng loại một. Nhiều người lớn làm nương gần đó cũng không cưỡng lại được sự quyến rũ mời gọi của mùi thơm bùi, ngậy bốc lên. Đó là những củ ngon nhất của một mùa ăm ắp đã vơi mà họ được thưởng thức. Những đứa trẻ cầm từng củ sắn, củ khoai lót trên lá cây rừng cho bớt nóng, vân vê xoay qua, xoay lại, vừa xoa vừa thổi. Miếng khoai, sắn nóng hổi bốc hơi nghi ngút một cách đầy mê hoặc.

Sau khi no nê những gì còn lại của mùa cũ, đám trẻ đứa nào cũng lem nhem vệt khói, than trên mặt. Chúng nhìn nhau trêu đùa, cười vang rừng núi. Rồi mỗi đứa một mồi lửa, giúp người lớn châm những đống cỏ, cây khô chưa đốt. Những cột khói như chiếc khăn hai màu lại cuộn lên cuốn tận trời xanh!

Cuộc sống đã đổi thay quá nhiều, cùng với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa, phần lớn người vùng cao đổ về thành phố làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, để lại những sườn núi chơ vơ cỏ dại sau mỗi mùa đông. Ngược lên miền núi trong những ngày xuân ấm áp. Tôi thèm hít hà mùi khói nương mà suốt những năm tháng tuổi thơ đã bao lần cay sống mũi. Vị cay của hạnh phúc lẫn đợi chờ. Xe đi qua những khúc đèo dốc uốn lượn, chợt hiện ra những đám nương đang bốc khói. Nhìn xa xa như thấy những vườn mận, mơ, lê trắng đang nhả khói lên trời cao. Hoa mơ, mận, lê đẹp đấy, nhưng nếu thiếu đi những làn khói nương thì chúng cũng lạnh lẽo, đơn côi như màu sắc của mình thôi! Cảm ơn những người vẫn gắn bó cuộc đời bên nương để giữ lại mùa khói đặc biệt chỉ có một lần trong năm.

Ngô Bá Hoà
Bình luận
Back To Top