Giữ hồn tính tẩu

08:42 - Thứ Năm, 10/03/2022 Lượt xem: 7378 In bài viết

ĐBP - Tháng 3 về hoa ban nở trắng bên những sườn đồi. Mường Lay bé nhỏ, e ấp nép mình dưới chân đồi bên dòng sông Đà trong xanh, hiền hòa, yên ả. Bóng chiều vàng óng trải dài, lấp lánh trên sông. TX. Mường Lay - phố thị nơi cuối trời Tây Bắc đẹp, bình yên, cuốn hút say đắm lòng du khách. Tiếng tính tẩu lúc trầm, lúc bổng, lúc chậm rãi khoan thai, réo rắt mê đắm lòng người. Theo tiếng đàn, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Giàng Văn Dom, bản Hốc, phường Na Lay, TX. Mường Lay - người đã có trên 40 năm chế tác, sử dụng tính tẩu và sáng tác giai điệu tính tẩu.

Nghệ nhân Giàng Văn Dom hướng dẫn học trò cách làm đàn tính tẩu.

Nghệ nhân Giàng Văn Dom tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, được dựng theo lối kiến trúc truyền thống dân tộc Thái; bên trong treo hàng dài những cây tính tẩu được bọc giấy bóng cẩn thận; trong số đó có cây đàn đã gắn bó với ông trên 40 năm, cùng ông biểu diễn khắp các hội diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Ông Dom tâm sự: Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tính tẩu. Từ nhỏ tôi đã được xem bố làm đàn tính tẩu, làm khèn, làm sáo đôi của dân tộc Thái. Từ đó đã kích thích niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc trong tôi. Tôi rất yêu thích và muốn tự tay làm những cây đàn tính như bố đã làm. Với tình yêu nhạc cụ dân tộc, sự đam mê, tâm huyết, nghiên cứu học hỏi của bản thân, cộng với những kỹ năng tự học được khi xem bố làm đàn tính, tôi đã biết chế tác đàn tính của dân tộc mình. Năm 1978 tôi đã chế tác thành thạo đàn tính tẩu đạt chuẩn về hình thức và âm thanh. Từ đó đến nay, tôi đã làm nhiều đàn tính tẩu phục vụ cho đội văn nghệ các bản, câu lạc bộ văn nghệ phường và nhân dân ở địa phương.

Tính tẩu là một trong nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Thái. Để chế tác tính tẩu, trước hết nghệ nhân phải lựa chọn loại gỗ để làm cần tính. Gỗ làm cần tính được làm bằng thân cây đại (đây là nguyên liệu bắt buộc để làm cần tính mà không loại cây gỗ nào có thể thay thế được, bởi gỗ đại có độ xốp, độ giòn đạt chuẩn giúp âm thanh của đàn kêu hơn). Nguyên liệu quan trọng thứ hai là quả bầu. Quả bầu làm đàn tính được lựa chọn với độ to, nhỏ sao cho phù hợp với cần tính (cần tính to thì chọn quả bầu to và ngược lại). Bầu để làm đàn tính phải là loại bầu tròn, có độ tròn đều, nhẵn mịn, mặt dưới của quả bầu phải thật bằng để khi đánh âm điệu đàn mới kêu. Quả bầu khi lấy về được phơi khô, sau khi bầu đã khô phải treo quả bầu lên gác bếp để khói từ bếp lửa sẽ làm cho vỏ quả bầu được chắc hơn, cứng hơn và khi đánh đàn sẽ kêu hơn.

Mặt bầu đàn được làm từ gỗ của thân cây sọ. Để làm mặt đàn, nghệ nhân phải bào và nạo gỗ cho thật mỏng, mịn đến khi đạt độ dày khoảng hơn 1mm là vừa. Để bịt kín miệng đàn, nghệ nhân sử dụng sáp ong. Dây đàn được làm bằng dây cước và buộc từ đầu cần tính đến cuối bầu đàn. Trên cần tính có các nút điều chỉnh dây đàn. Một cây đàn tính tẩu hoàn chỉnh khi đảm bảo về hình thức và âm thanh; đặc biệt âm thanh của đàn phải thật kêu, vang mới được coi là cây đàn đạt tiêu chuẩn.

Ngoài chế tác tính tẩu, ông Vàng Văn Dom còn trình diễn thành thạo đàn tính tẩu, biết sáng tác giai điệu tính tẩu. Ông từng tham gia nhiều chương trình hội thi, hội diễn văn nghệ ở bản, địa phương, ở tỉnh và đều đạt giải cao. Từ năm 2001, ông Dom bắt đầu sáng tác nhạc tính tẩu cho các điệu múa Thái truyền thống. Tiêu biểu: Múa nón truyền thống; múa Coóng khẩu; múa Má Hính (quả nhạc); múa đôi tính tẩu “Đàn tính đêm trăng”… Ông Dom cho biết: Căn cứ vào nội dung các điệu múa Thái truyền thống, để sáng tác giai điệu phù hợp cho từng điệu múa khác nhau. Thông thường để hoàn thành 1 giai điệu phù hợp cho 1 bài múa, người nghệ nhân mất khoảng thời gian từ 1 - 2 giờ.

Bằng việc nắm chắc và am hiểu các kỹ thuật sử dụng, kỹ năng, quy trình về chế tác tính tẩu. Với mong muốn gìn giữ loại nhạc cụ của dân tộc Thái, ông Dom đã thường xuyên truyền dạy các kỹ thuật sử dụng, chế tác tính tẩu cho con cháu trong dòng họ, dân bản và nhiều người yêu đàn tính ở địa phương khác. Hiện các học trò của ông cũng đang thực hành và biết chế tác tính tẩu.

Tiêu biểu trong số đó có Tòng Văn Đôi (người cùng bản) - một trong những học trò xuất sắc về chế tác và sử dụng đàn tính tẩu, chia sẻ: Cũng như nhiều loại nhạc cụ khác của dân tộc Thái, người chế tác phải biết sử dụng thành thạo loại nhạc cụ đó, và có một trình độ thẩm âm nhất định. Với tôi khó nhất trong quá trình học chế tác đàn tính tẩu là cách học đánh đàn tính đẩu. Trước khi đánh đàn, người nghệ nhân phải lên dây đàn. Dây đàn được lên với âm thanh cao hay thấp phụ thuộc vào từng bài hát, điệu múa. Đối với những bài hát, điệu múa có thanh cao thì dây đàn phải được kéo lên căng cho âm thanh cao hợp với thanh điệu của bài hát, điệu múa; ngược lại bài hát có âm thanh trầm, thấp thì dây đàn phải chùng xuống. Thường nếu nữ hát thì sử dụng thanh cao, nam hát thì hạ xuống âm thanh trầm hơn so với nữ. Khi đánh đàn, tay phải hạ xuống phía bầu đàn, các ngón tay phải gảy dây đàn; tay trái nâng cao lên về phía cần tính, các ngón tay giữ phím dây đàn để điều chỉnh âm thanh và độ luyến láy cho âm điệu đàn tính. Tốc độ đánh và âm điệu đàn nhanh, vừa phải hay chậm sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng điệu múa, bài hát.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top