Năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động bị gián đoạn, thị trường sụt giảm, nguyên vật liệu tăng giá, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh phí, dẫn đến đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế... Tuy vậy, với trọng tâm là hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của văn hóa đọc và tăng cường ứng dụng công nghệ số, toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, có tổng doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, năm vừa qua đã nộp lưu chiểu 32.948 xuất bản phẩm (giảm 9%) với 400.610.118 bản (giảm 0,7%). Tuy nhiên, cơ cấu sách có sự thay đổi với tín hiệu đáng mừng với mức tăng đáng kể về số cuốn, số bản của mảng sách chính trị, pháp luật, khoa học-công nghệ và kinh tế...
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 2.996,667 tỷ đồng (tăng 12,4%); nộp ngân sách 261,380 tỷ đồng (tăng 71,7%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,243 tỷ đồng (tăng 80,7%). Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản không chỉ trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu bạn đọc mà còn thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tích cực tuyên truyền quảng bá sách.
Ở lĩnh vực phát hành, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành và báo cáo của các Sở Thông tin và Truyền thông, cả nước có 1.442 cơ sở phát hành sách (giảm 29,7%). Toàn ngành phát hành đã phát hành hơn 225 triệu xuất bản phẩm (giảm 31,8%) trong năm 2021; doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng (giảm 21,6%).
Cùng trong tình trạng đó, số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành cùng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm cũng có những sụt giảm nhất định do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã có những nhanh nhạy đầu tư, đổi mới phương thức kinh doanh, chuyển sang bán hàng trực tuyến, phát triển phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói... qua đó tiếp tục có bước phát triển nhất định, làm cơ sở cho việc khôi phục và phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Năm 2021 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV... Các nhà xuất bản đã tập trung thực hiện tốt việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước và nhu cầu của bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí.
Đặc biệt, một lượng lớn ấn phẩm có nội dung liên quan đến công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, ca ngợi tình cảm, nhiệt huyết của đội ngũ tuyến đầu chống dịch và việc phục hồi kinh tế thời dịch bệnh cũng được ngành xuất bản chủ động khai thác, kịp thời, nhận được đánh giá cao của dư luận xã hội. Về công tác đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, mặc dù vi phạm về nội dung xuất bản phẩm chưa được khắc phục triệt để, nhưng số lượng xuất bản phẩm vi phạm chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số xuất bản phẩm và tính chất, mức độ vi phạm cũng không có biểu hiện nghiêm trọng. Điều này phần nào thể hiện việc quản lý quy trình xuất bản đã tốt hơn, hạn chế được những sai sót về nội dung của các năm trước.
Dù có nhiều khó khăn thách thức, sản lượng in cơ bản năm vừa qua vẫn đạt gần 90% theo kế hoạch, doanh thu ngành in duy trì ở con số hơn 85.000 tỷ đồng. Tuy năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành in đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp, từng bước chủ động gia nhập thị trường in xuất khẩu. Đối với công tác phòng, chống in lậu, Đoàn liên ngành Trung ương và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính các vi phạm với tổng số tiền phạt 782.000.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm. Thời gian tới, công tác phòng, chống in lậu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nói chung.
Điểm nổi bật trong năm qua là nhận thức và hành động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã có bước chuyển biến tương đối căn bản. Trong điều kiện hết sức khó khăn, đội ngũ làm xuất bản đã chủ động tìm giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo bước đột phá trong quá trình phát triển. Tổng số nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử đã tăng 33% so với năm 2020. Trong lĩnh vực phát hành, để khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói...
Một số doanh nghiệp phát hành sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, như: Công ty cổ phần Công nghệ WeWe, Công ty cổ phần Fonos, Công ty cổ phần Waka đã thu hút 500.000 người dùng và hàng triệu lượt truy cập, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020. Các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về phát hành sách cũng có mức tăng trưởng rất cao, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 tại địa chỉ Book365.vn đã có những thành công vượt trội với 40.000 bản sách đến bạn đọc, hơn 6 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt hơn 4,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so năm 2020).
Cùng với bước đột phá về xuất bản điện tử, công tác quảng bá sách, phát triển văn hóa đọc tiếp tục được chú trọng. Mô hình triển lãm truyền thống được cải tiến với phương thức triển lãm, hội chợ trực tuyến được triển khai, ứng dụng nhiều tính năng ưu việt của công nghệ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội, mở ra hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, từng bước thực hiện chuyển đổi số, lan tỏa tri thức một cách hiệu quả nhất.
Một thành công trong năm là Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư tạo tiếng vang lớn, được giới chuyên môn và xã hội ghi nhận, trở thành một trong những giải thưởng về sách uy tín hàng đầu hiện nay. Việc triển khai chương trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo hướng xã hội hóa cũng đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành và nhiều doanh nghiệp triển khai, bước đầu huy động được nguồn lực từ xã hội để phát triển văn hóa đọc rộng khắp trên cả nước, tạo nên những không gian văn hóa đọc hiện đại, khơi dậy tình yêu sách của các thế hệ bạn đọc.
Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng phát triển của ngành xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Dù có nhiều nỗ lực, song, nhìn chung, số lượng ấn bản bình quân còn thấp; cơ cấu sách còn chưa hợp lý; ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa, nhất là sách về lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học công nghệ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tuy đã được các nhà xuất bản chú trọng nhưng nhìn chung, tình hình triển khai chưa đồng đều do hạn chế về nguồn lực đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin chưa có sự bứt phá rõ rệt. Văn hóa đọc đã có bước phát triển nhưng vẫn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, quảng bá sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách của mỗi cá nhân, trong gia đình và cộng đồng.
Đối với các đơn vị xuất bản, phát hành, bên cạnh việc nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, dịch vụ phát hành cần chú trọng tới vấn đề chuyển đổi số; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về bản quyền trong hoạt động liên kết xuất bản; chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật để phù hợp xu hướng phát triển hiện nay; triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu...
Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in, phát hành, đòi hỏi toàn ngành cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế để tiếp tục nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hướng tới những thành tựu mới trong giai đoạn phát triển tới.