Phát huy giá trị hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

08:33 - Thứ Hai, 28/03/2022 Lượt xem: 6396 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và xã hội hóa trong nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Hệ thống thiết chế hiện có được quản lý, sử dụng hiệu quả, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tham gia hoạt động thể thao của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Trẻ em học tập, sinh hoạt tại Nhà văn hóa bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Toàn tỉnh hiện có 10/10 nhà văn hóa huyện; 98/129 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 717/1.444 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (49,6%); 9 sân vận động, 90 sân bóng đá, 123 nhà tập luyện, 31 bể bơi, 445 sân bóng chuyền... Nội dung hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao từng bước có sự phong phú, đa dạng, gắn bó thiết thực với cộng đồng dân cư. Vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chi bộ Đảng, đoàn thể; vừa là nơi quán triệt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, phổ biến thời sự, khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, diện tích còn nhỏ hẹp, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

TP. Điện Biên Phủ hiện 11/12 xã, phường có nhà văn hóa; 117/175 tổ dân phố, bản, cụm dân cư có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dù một số nơi vẫn còn thiếu thốn nhưng vượt lên khó khăn, 100% nhà sinh hoạt cộng đồng được quản lý, sử dụng hiệu quả, phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và hội họp của nhân dân. Đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nhà văn hóa trở thành các trạm y tế lưu động, góp sức quan trọng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhà văn hóa bản Nà Ngám 2, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ được đầu tư xây dựng từ năm 2019, diện tích khoảng 80m2, tổng chi phí 300 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 200 triệu, người dân hiến đất, góp công và khoản chi phí còn thiếu. Tuy nhiên khi xây dựng, bản Nà Ngám 2 chỉ có 33 hộ dân. Sau đó không lâu, sáp nhập Nà Ngám 2 và 4 thành Nà Ngám 2, nâng số hộ lên 87. Bởi vậy, nhà văn hóa tuy còn mới nhưng đã chật, hẹp, không đủ chỗ ngồi mỗi khi họp bản. Thêm vào đó, nhà văn hóa tuy đã được trang bị tăng âm, loa đài nhưng chưa có đủ bàn ghế. Khi hội họp thì rải chiếu hoặc người dân mang ghế từ nhà để ngồi. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông Quàng Văn Thanh, Bí thư Chi bộ bản cho biết: “Nhà văn hóa vẫn hoạt động đều. Từ các sự kiện lớn như bầu cử đại biểu HĐND các cấp, họp chi bộ, họp bản hay tuyên truyền, tập huấn đều được tổ chức tại nhà văn hóa bản. Khi nào có điều kiện đóng góp thêm hoặc được hỗ trợ từ cấp trên sẽ đầu tư đầy đủ hơn, còn hiện tại mọi người cùng nhau khắc phục. May là khuôn viên nhà văn hóa rộng 600m2, dù nền sân đất nhưng rộng rãi để tổ chức các hoạt động cộng đồng, liên hoan, giao lưu văn hóa, và vui chơi cho thanh thiếu nhi của bản”.

Còn tại Mường Ảng, toàn huyện có 1 nhà tập luyện thể dục thể thao cấp huyện, 10/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa. Trong đó 5 nhà văn hóa được xây dựng theo thiết kế mô hình nhà sàn, 5 nhà văn hóa đa năng, tổ chức được các hoạt động văn hóa, thể thao; 28/118 tổ dân phố, bản có nhà văn hóa. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện nhận định: “Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản hoạt động hiệu quả. Hầu hết nhà văn hóa đảm bảo diện tích đất theo quy định, có sân khấu trong hội trường, đa số được trang bị tăng âm loa đài, bàn ghế phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, số lượng các thiết chế còn hạn chế, một số hội trường, nhà văn hóa chưa đảm bảo chỗ ngồi theo quy định, chưa có sân thể thao và công trình phụ trợ; một số trang biết bị cũ, hỏng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. 3 nhà văn hóa chưa được đầu tư bài bản, có nhà văn hóa sử dụng loa kéo tay chỉ đáp ứng hội họp quy mô nhỏ…” Bởi vậy, bà Thanh cho biết thêm, Phòng phối hợp, hướng dẫn các địa phương, cơ sở liên hệ Phòng Giáo dục và Đào tạo, cùng các trường học trên địa bàn để tận dụng bàn ghế cũ (đã được thay mới), chuyển sử dụng cho nhà văn hóa. Trang thiết bị tăng âm, loa đài cũng được Phòng đề nghị lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trong các chương trình, đề án liên quan…

Trước những khó khăn đó, việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thường xuyên được các xã, bản kiến nghị, đề xuất cấp ngành chức năng. Tranh thủ các chương trình, dự án; huy động sự đóng góp, xã hội hóa từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà văn hóa, sân thể thao tại cơ sở được hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu nhân dân. Việc quan tâm đầu tư, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cần được song hành để thực sự phát huy giá trị, ý nghĩa của các công trình này.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top