Từ sách điện tử đến nhà xuất bản số - bước chuyển mình của thị trường xuất bản

09:31 - Thứ Ba, 29/03/2022 Lượt xem: 4971 In bài viết

Mặc dù ngành xuất bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng thị trường xuất bản phẩm điện tử lại có nhiều khởi sắc. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản có nhiều tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là về đầu tư, triển khai xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay, chuyển đổi số, xuất bản điện tử đã trở thành câu chuyện quen thuộc của người làm xuất bản. Sự lớn mạnh nhanh chóng của các doanh nghiệp số tham gia vào hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử với nhiều ứng dụng hiện đại vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc vừa mở ra hướng phát triển mới cho ngành xuất bản trong xu thế mới. Phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhất là phát hành sách nói thu hút nhiều startup, được giới đầu tư đánh giá cao sẵn sàng hợp tác đầu tư với nhiều dự án triển vọng.

Một số nền tảng ứng dụng phát hành sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, như: Ứng dụng Voiz FM của Công ty Cổ phần công nghệ WeWe đã thu hút 500.000 người dùng với khoảng 10 triệu lượt truy cập, tăng gấp 10 lần so với năm 2020; Fonos thu hút được trên 3,4 triệu lượt truy cập gấp tăng gấp hơn 9 lần năm 2020; Waka có mức tăng trưởng trên 4 lần. Các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về phát hành sách cũng có mức tăng trưởng rất cao, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 tại địa chỉ Book365.vn đã có những thành công vượt trội với 40.000 bản sách đến tay bạn đọc, hơn 6 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt trên 4,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020)...

Khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển xuất bản điện tử đã được các nhà xuất bản chú trọng nhưng nhiều người tham gia vào xuất bản cũng nhận định, việc triển khai xuất bản điện tử hiện nay còn khó khăn. Theo bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, videobook đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị… Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử. Bạn đọc chỉ cần sử dụng các thiết bị số cá nhân nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể lưu trữ và đọc hàng nghìn cuốn sách ở dạng số.

Ứng dụng công nghệ cung cấp sách nói đến bạn đọc ngày càng nhiều hơn.

Việc phát hành các sách này cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh cũng cho rằng, để đạt được các chỉ tiêu về xuất bản và đặc biệt là xuất bản điện tử trong Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tỉ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20 – 30% tổng số xuất bản phẩm được xuất bản) và Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, ngành xuất bản cần có những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản và phát hành. Ngành xuất bản cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm nền tảng hỗ trợ cho từng công tác trong hoạt động xuất bản, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số.

 Ông Đinh Quảng Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Waka còn chỉ ra rằng, hiện nay, không có dịch vụ sách điện tử nào cho phép người dùng bán lại sách của mình (đã mua). Đại đa số các nhà xuất bản sử dụng DRM (Digital Right Management) để mã hóa sách điện tử của họ và một số nhà bán lẻ có định dạng riêng. Khi mua một cuốn sách điện tử, khách hàng chỉ đơn thuần là được cấp quyền sử dụng nó nên “không có cảm giác sở hữu thực sự” và có tình trạng khủng hoảng niềm tin vào định dạng kỹ thuật số vì các nền tảng sách điện tử có thể ngừng hoạt động, đóng cửa hệ thống của họ. Do đó, các công ty hoạt động ở lĩnh vực sách điện tử ngày nay cũng như các công ty sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực ebook/blockchain cần quan tâm đến việc “mô phỏng quyền sở hữu” – về mặt thực tế và kỹ thuật – một cách chặt chẽ hơn các nền tảng phân phối nội dung hiện có.

Về phía Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng thừa nhận, tình hình triển khai xuất bản điện tử trong hoạt động xuất bản hiện nay chưa đều do còn hạn chế về nguồn lực đầu tư. Số lượng nhà xuất bản đủ điều kiện thực hiện xuất bản phẩm điện tử tuy vượt mục tiêu (mục tiêu 15 - 20%) nhưng chiếm tỷ lệ còn thấp so với tổng số nhà xuất bản (12/57 nhà xuất bản, chiếm 21%). Khắc phục các bất cập trong phát triển xuất bản điện tử, ngành xuất bản có nhiều giải pháp, trong đó có chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, tăng số lượng các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, hướng tới việc đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử chiếm 25% trong năm 2022.

Cùng với đó, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm cũng cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số trong hoạt động phát hành, phát triển thị trường phát hành xuất bản phẩm điện tử, thực hiện liên kết các hình thức phát hành trên sàn thương mại điện tử…

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top