Gìn giữ điệu xòe Thái

08:24 - Thứ Năm, 31/03/2022 Lượt xem: 6043 In bài viết

ĐBP - Có mặt tại bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo tối thứ 7, chúng tôi như được hòa mình vào không khí vui tươi, nét văn hóa đặc trưng dân tộc Thái nơi đây. Hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng, là những bước chân uyển chuyển, mềm mại của người phụ nữ Thái trong bộ áo cóm say sưa múa xòe. Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi, bà Bạc Thị Mỹ (80 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc bản Chiềng Khoang, người am hiểu về điệu xòe Thái chia sẻ: “Điệu xòe của dân tộc Thái có từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào. Từ khi sinh ra, người Thái đã lớn lên cùng với điệu xòe. “Xòe” theo tiếng Thái nghĩa là múa. Trải qua thời gian, đồng bào Thái đã và đang không ngừng xây dựng và phát triển nghệ thuật xòe đa dạng, đặc sắc về giá trị văn hóa truyền thống. Xòe trở thành biểu tượng của tình yêu, tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo của con người trong sinh hoạt thường ngày”. Cũng theo bà Mỹ: “Nếu bây giờ không gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ thì rồi sẽ có ngày con cháu mình không còn biết múa, người Thái quên đi bản sắc truyền thống của dân tộc mình”. Với ý nghĩ đó, bà Mỹ đã xây dựng đội múa xòe của bản với hơn 40 thành viên; đều đặn vào các buổi tối, chị em lại tập trung tại nhà văn hóa bản để cùng giao lưu, trao đổi với nhau về các bài hát, các điệu múa xòe.

Phụ nữ Thái bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) tham gia đội múa xòe truyền thống.

Đội múa của bà Mỹ không chỉ thu hút phụ nữ trung niên, người cao tuổi mà còn có nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật dân tộc Thái cùng tham gia. Em Lường Thị Quỳnh (16 tuổi), bản Chiềng Khoang chia sẻ: “Em rất yêu văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Từ thuở nhỏ, nhìn thấy các bà, các mẹ biểu diễn các điệu xòe, em rất thích. Em còn hay tập theo những động tác xòe mềm mại và duyên dáng. Và giờ đây, mong ước của em đã dần trở thành hiện thực khi thường xuyên được theo các bà, các mẹ, các chị nắm tay trong điệu xòe; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc lưu truyền mãi đến muôn đời sau”.

“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, câu dân ca như khẳng định thêm vị trí của xòe trong đời sống đồng bào Thái. Để có cơ sở dữ liệu cho việc lập hồ sơ khoa học Nghệ thuật Xòe Thái, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập phiếu kiểm kê tại 9 huyện, thị, thành phố, đồng thời trực tiếp tiến hành điều tra, phỏng vấn, ghi hình nghệ thuật xòe tại thị xã Mường Lay - nơi ghi dấu về sự phát triển của nghệ thuật xòe. Theo đó, hiện nay còn tồn tại rất nhiều điệu xòe: Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe chọi gà (xe to cáy), xòe nến. Ngoài ra còn một số điệu xòe như: Xòe nhạc, xòe trống, xòe chai, xòe ném còn, xòe bướm, xòe ống, xòe tay cao, xòe tay thấp, xòe thắt đai lưng, xòe hoa, xòe nhảy sạp... Các điệu xòe thường diễn ra trong tết nguyên đán, mừng nhà mới, có trong sinh hoạt văn hóa tại các trường học, hội hạn khuống, lễ mừng cơm mới, trong đám cưới, lễ xên bản, khi có khách quý, những ngày lễ lớn của tỉnh, ngày quốc khánh, tuần văn hóa du lịch và các hội thi, hội diễn.

Tiêu biểu như “xòe vòng”. Theo các tài liệu nghiên cứu về nghệ thuật xòe Thái, có 3 động tác cơ bản của xòe vòng, gồm: “xé khen vung” nghĩa là xòe tay cao, “xé khen tàn” nghĩa là xòe tay thấp, “xé hạng eo” - xòe tay ở ngang thắt lưng. Mọi người xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau. Về động tác, điệu xòe Thái gồm 2 bước chính và 2 bước phụ. Bước thứ nhất, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước, dậm nhẹ rồi lùi chân sau; chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, cánh tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp của trống, của nhạc. Các động tác cứ như vậy được lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng xòe dần dần được mở rộng bởi mỗi lúc mọi người đến xòe một đông. Về nhạc cụ trong xòe, từ thuở xa xưa là các sản phẩm của tự nhiên, như những cây tre, cây nứa từng gắn bó với con người từ thuở hoang sơ ở núi rừng, sau này phát triển lên các nhạc cụ như trống, chiêng, chũm chọe và với những cuộc vui kéo dài, mang đậm yếu tố trữ tình, dàn nhạc xòe còn có thêm khèn bè, tính tẩu, pí lè và khắp Thái, tăng thêm sức sôi động của vòng xòe.

Ngày 15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái. Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ nghệ thuật xòe, tỉnh ta tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, phổ biến nghệ thuật xòe Thái, đặc biệt cho thế hệ trẻ; huy động các nguồn lực đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa, nhất là xây dựng “nòng cốt”, các tổ đội văn nghệ quần chúng đang hoạt động trong các thôn, bản... tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống hàng năm, đặc biệt quan tâm đưa nghệ thuật xòe Thái vào thực hành. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 1.150 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó đa phần là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái, đây được xem là những hạt nhân ưu tú để bảo tồn và phát triển nghệ thuật xòe. Qua đó, góp phần lưu giữ, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top