Kết nối văn hóa đọc: Những cảm xúc về biên cương và tình hữu nghị

08:11 - Thứ Ba, 12/04/2022 Lượt xem: 5599 In bài viết

“Theo dấu phù sa” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2022) là một tập bút ký mà Thiếu tá QNCN, nhà văn Phạm Vân Anh (Bộ đội Biên phòng) đã dày công thực hiện để biến nó thành một khảo cứu công phu suốt dọc dài biên giới.

Bìa cuốn sách “Theo dấu phù sa”.

Cuốn sách gồm 24 bút ký văn học, ghi chép có nội dung về tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Campuchia trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian.

Cuốn sách đã nhấn mạnh tầm quan trọng, ca ngợi tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước láng giềng có chung đường biên giới, có chung dòng sông Mê Công mà tác giả đã đi tới tận đầu nguồn, rồi đi theo dấu phù sa con sông kỳ vĩ này để thực chứng. Tính công phu là nhà văn luôn nỗ lực khai thác chất liệu quý để biến hóa thành những con chữ thấm đẫm chất sử. Những trang viết mang đậm hương vị dân gian mà tác giả dày công tìm ra những nhân vật và hình ảnh, câu nói cô đọng của họ để gieo vào tâm trí người đọc.

“Theo dấu phù sa” có những tư liệu quý về việc xác định, thẩm định và xác lập các cột mốc biên giới. Nhiều thành phần tham gia vào việc này, trong đó quan trọng nhất vẫn là lực lượng Bộ đội Biên phòng và đồng bào ở các khu vực lân cận. Cuốn sách giúp người đọc hình dung sự cống hiến, hy sinh của bao chiến sĩ, đồng bào đã cùng góp công, góp sức với các nước bạn láng giềng đem lại hòa bình, no ấm cho các dân tộc. Qua các bút ký, thật bất ngờ được gặp những nhà “ngoại giao chân đất”, là “lũy thành hồn hậu”. Họ là những nông dân sinh sống nhiều đời ở khu vực biên giới của 4 nước, như các ông: Hai Đời, Hai Bé, Pon Sà-ron, Đoi-ty Chăn... trên biên giới Việt Nam-Campuchia, được bà con yêu quý vì đã có công xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hay các ông: Vi Văn Tít, Dông Nụ, Thào Khắt, Hồ Ray, A Dói... đã góp phần tạo nên những bài ca đẹp về tình anh em trên biên giới Việt Nam-Lào. Rồi những người như: Trưởng thôn Vương Chính Phúc, Bí thư Tô Minh Phương, ngư dân Sìn Dỉ Gai, Lương Đại Bân... cũng đã bảo ban nhau sản xuất, canh tác để xây dựng biên giới chung ngày một phát triển trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Cuốn bút ký đa dạng về đối tượng phản ánh, từ người nông dân đến già làng, trưởng bản, đội ngũ cán bộ cơ sở, lực lượng vũ trang và các đồng chí lão thành cách mạng. Đây là một cuốn bút ký viết khoáng đạt, có nhiều câu từ mềm mại, nhẹ nhàng. Theo chân nhà văn và nhấm nháp từng bài viết, từng địa danh, gặp gỡ từng con người khắp mọi nẻo đường, nó cho ta thêm năng lượng tích cực khi ta có thể đi và đến mỗi nơi nào đó ta gặp trong cuốn sách này, ta có thêm hành trang bằng những những chi tiết thú vị ấy. Qua mỗi chương sách, chúng ta còn được tác giả dẫn đến một vùng đất biên giới, khi thì ở nước ta, khi thì bên nước bạn và được giới thiệu cặn kẽ lịch sử vùng đất có gắn với những truyền thuyết xa xưa, liên quan đến sự phát triển của nhân dân hai nước sinh sống bên đường biên giới, cùng những nét văn hóa tương đồng, những câu chuyện gắn kết nhau qua từng giai đoạn biến cố với chiến tranh, loạn lạc, ly tán...

Mỗi cuốn sách ra đời là coi như dốc hết tâm can, cảm xúc trên một chặng đường viết của nhà văn. Nhưng tôi nghĩ, Phạm Vân Anh đang ở tuổi sung sức, hy vọng độc giả sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận các cuốn sách theo dấu chân những người lính Biên phòng Việt Nam mà chị đã và đang gắn bó.

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top