Nối dài sức sống nghệ thuật đờn ca tài tử

09:38 - Thứ Tư, 13/04/2022 Lượt xem: 6979 In bài viết

Sau 6 ngày diễn ra với nhiều hoạt động, Festival đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III-Cần Thơ 2022 đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc, ấn tượng cho cả người trong cuộc lẫn khán giả mộ điệu.

Bé Như Ý (9 tuổi) cùng 2 tài tử của Đoàn Cần Thơ trình diễn tiết mục “Anh Hai tài tử”.

Mới lạ, đặc sắc

Liên hoan ĐCTT năm nay, đặc biệt là hội thi ĐCTT, một trong những hoạt động được mong chờ nhất đã quy tụ gần 500 tài tử đến từ 21 tỉnh, thành phố tham dự. Với sự đầu tư chu đáo về nội dung, kịch bản, bối cảnh, trang phục, đạo cụ... các đơn vị đã mang đến những chương trình, tiết mục đặc sắc, phản ánh hơi thở cuộc sống, những nét đặc trưng của quê hương thông qua việc đặt lời mới có nội dung gắn liền với cuộc sống trên nền các bản nhạc, điệu, lý cũ.

Mở màn cho hội thi ĐCTT trong khuôn khổ liên hoan, đoàn Cần Thơ, đơn vị chủ nhà, đã mang đến cho người xem một chương trình hấp dẫn, lôi cuốn với chủ đề “Cần Thơ hòa điệu phương Nam”. Giữa sân khấu được bố trí những chiếc ghe xuồng chở hoa, nông sản với những cây bẹo đặc trưng của chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, các nghệ nhân đờn, ca thể hiện những bài bản tổ, ca ra bộ, vọng cổ, hòa tấu đờn... một cách nhịp nhàng, ăn ý. 

Bên cạnh đầu tư công phu về thiết kế sân khấu, đạo cụ, với chủ đề “Về Hậu Giang-ngân vang di sản”, đoàn Hậu Giang đã mang đến nhiều nét mới thông qua việc biên tập, sáng tác những tác phẩm mới dựa trên 20 bản tổ của ĐCTT. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang Nguyễn Phúc Anh cho biết: “Chúng tôi đã chọn lọc, xây dựng chương trình vừa bám sát chủ đề chung của ban tổ chức hội thi, vừa tạo được nét riêng, giới thiệu những điểm đặc sắc của ĐCTT Hậu Giang”.

Đánh giá chất lượng hội thi lần này, NSƯT, Thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Giám khảo hội thi nhận xét: “Hội thi lần này có nhiều điểm khác biệt so với hai lần trước. Về nội dung, bên cạnh những bài ca ngợi Đảng, đất nước thì có những bài về gương người tốt-việc tốt, đề cập đến những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới hay những nội dung có tính thời sự về tình hình dịch Covid-19. Thông qua các phần trình diễn tại hội thi đã thể hiện sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng với nhiều nét mới lạ của các câu lạc bộ ĐCTT. Qua các chương trình, tiết mục đặc sắc, tôi cảm nhận được tài năng, tâm huyết, bản chất phóng khoáng đậm tình người phương Nam của các nghệ nhân ĐCTT”.

 Truyền tình yêu cho lớp trẻ

Trong những ngày Liên hoan ĐCTT, giới mộ điệu cả nước không ít lần được thưởng thức những “bữa tiệc” ĐCTT hấp dẫn của các thí sinh nhỏ tuổi như: Tài tử nhí Diễm My, 13 tuổi (đoàn Tây Ninh); Lâm Gia Hưng, 14 tuổi (đoàn Đồng Tháp); Nguyễn Ngọc Thúy Nga, 15 tuổi (đoàn TP Hồ Chí Minh); bé Gia Bảo, 6 tuổi (đoàn Bạc Liêu)...

Khán giả cũng rất ấn tượng với tiết mục “Anh Hai tài tử” của đơn vị TP Cần Thơ với sự góp mặt của bé Như Ý. Tuy mới 9 tuổi, Như Ý đã sớm bộc lộ năng khiếu trời phú. Chất giọng trong và gương mặt xinh xắn đã giúp em tỏa sáng ở những cuộc thi do địa phương tổ chức. Lần đầu bước chân ra một sân khấu lớn, Như Ý đã chinh phục được khán giả bởi phong cách trình diễn và giọng hát có phần chững chạc hơn độ tuổi của em. Như Ý cho biết: “Ngày nhỏ xem ông, bà biểu diễn các tiết mục ĐCTT em rất thích và xin theo học. Năm nay, được dự hội thi lớn này, em rất vui và cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất”.

Bên cạnh tài năng về ca tài tử, giới mộ điệu còn được dịp thưởng thức ngón đờn điêu luyện từ ban đờn gồm 6 em độ tuổi 10-17, đến từ đoàn Bình Phước. Các em với các nhạc cụ: Ghi ta, kìm, tranh, cò, bầu, tứ đã hòa đờn cho các tiết mục thi diễn một cách tự tin, chuyên nghiệp. Ông Đỗ Hoài Thu, Phó trưởng đoàn ĐCTT tỉnh Bình Phước cho biết: “Các em đều là con cháu trong các gia đình tài tử ở miền Tây lên Bình Phước sinh sống, lập nghiệp. Nhiều gia đình đã giữ gìn và phát huy bộ môn này bằng cách truyền nghề cho con cháu, đặc biệt lập ra Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Thanh Quán ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập để những người yêu thích ĐCTT sinh hoạt và lan tỏa đến cộng đồng loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ”.

Tạo điều kiện để thí sinh nhỏ tuổi tham gia hội thi lớn không phải là một sự mạo hiểm của các đơn vị bởi hầu hết các đội xem đây như một cuộc hội ngộ, một sân chơi nghệ thuật để thỏa mãn đam mê hơn là thành tích. Quan trọng hơn, các đơn vị muốn những “viên ngọc quý” của làng ĐCTT có dịp cọ xát, mài giũa trong môi trường chuyên nghiệp hơn. Một khi “ngọc” được mài sáng hơn thì cũng đồng nghĩa với việc tạo ra được một lớp “hậu sinh khả úy” để tiếp tục kế thừa sự nghiệp ĐCTT của cha ông.

Dù trải qua bao thăng trầm của thời đại, nhưng ĐCTT luôn có những con người chung tình gắn bó. Những năm gần đây, người tham gia sân chơi ĐCTT ngày một nhiều. Chưa có số liệu thống kê chính thức số người tham gia, bao nhiêu câu lạc bộ, đội nhóm ĐCTT ở 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, nhưng nếu nhìn vào những lớp “tài tử nhí” chỉ mới 6-7 tuổi đang cùng những tài tử lão làng về tham dự liên hoan ĐCTT lần này, chúng ta vững tin rằng ĐCTT luôn có sự tiếp nối, gìn giữ và phát huy.

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top