Đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần trong nhân dân

08:10 - Thứ Năm, 14/04/2022 Lượt xem: 8158 In bài viết

ĐBP - Xác định bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Tại tỉnh ta, những năm qua, công tác này luôn được các cấp, ngành quan tâm; đồng thời xem đây là một trong những yếu tố quan trọng không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn có vai trò quan trọng, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Nhân dân bản Pú Súa, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) giã bánh giầy trong Tết Nào Pê Chầu.

Từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, triển khai thực hiện, nhìn chung, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, tính gắn kết trong cộng đồng cũng được củng cố, phát triển. Đặc biệt, trong quá trình hình thành, tạo nền tảng, cơ sở cho các giá trị văn hóa mới, các địa phương đã chú trọng xây dựng bản, làng, tổ dân phố văn hóa.

Tại huyện Mường Nhé, đây là huyện vùng cao, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện phong trào gắn với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đáng chú ý, các xã Chung Chải, Sín Thầu, Leng Su Sìn, Nậm Kè… nơi có có đồng bào dân tộc Cống, Si La, Hà Nhì, Mông… sinh sống triển khai phong trào này rất hiệu quả. Đơn cử, ở xã Sín Thầu, đến nay, các hủ tục, mê tín dị đoan như cúng bái khi đau ốm, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia trong sinh hoạt hàng ngày gần như không còn. Việc xây dựng bản văn hóa trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Là người dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu, cũng là người am hiểu nhiều đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc mình, bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết, những nét đẹp văn hóa của đồng bào như: Lễ, tết, thêu, may trang phục... vẫn được bà con gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có được điều đó, vai trò của già làng, người uy tín trong cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Họ thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ. Với những nỗ lực đó, đến thời điểm hiện tại, Sín Thầu là xã duy nhất ở Mường Nhé đã được công nhận là xã nông thôn mới.

Tại xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng), những năm qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nơi đây cũng thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đối với các xã vùng cao, nhất là khu vực có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, hàng năm, họ vẫn duy trì tổ chức Tết Nào Pê Chầu. Đây là tết cổ truyền, nét văn hóa truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ vạn vật của dân tộc Mông. Đặc biệt, từ khi Tết Nào Pê Chầu được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, không chỉ xã Ẳng Cang, hàng năm huyện Mường Ảng cũng luôn quan tâm tổ chức bảo tồn tại các bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã: Xác định thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên khơi gợi, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; bảo tồn văn hóa đặc trưng, trang phục truyền thống của từng dân tộc. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí văn hóa, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng và các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa thông qua nhiều hình thức, như: Hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép vào các buổi họp thôn... Quá trình thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình người tốt, việc tốt, nhiều gia đình đã hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường... Đến nay, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa toàn xã chiếm 90%.

Trong tiến trình phát triển xã hội, đặc biệt là nhằm nâng cao hơn giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng thường xuyên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, định hướng để nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó phòng Quản lí văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, các địa phương đã phát huy được vai trò, uy tín của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có nhận thức tương đối đầy đủ về tập quán để tuyên truyền cho con cháu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đồng thời bảo tồn, lưu giữ phong tục tập quán tốt đẹp, những giá trị văn hóa tiêu biểu trên địa bàn dân cư. Nhìn chung, việc đời sống văn hóa, nếp sống văn minh ở cơ sở, việc xây dựng và thực hiện quy ước ở khu dân cư đã góp phần vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng; bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội ở địa phương; từ đó góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá ở cơ sở. Đến nay, sau 5 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang (giai đoạn 2016 - 2021), hầu hết các lễ cưới trên địa bàn được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình (chiếm 95,5%). Việc cưới vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục vừa đúng với nếp sống văn hóa mới đã góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đối với việc tang, các đám tang không cử nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm...

Với nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương, có thể thấy rằng, việc triển khai các phong trào, hoạt động thời gian qua không chỉ bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra những lợi thế xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.

Quang Long
Bình luận
Back To Top