Gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Dao ở Tủa Chùa

08:17 - Thứ Năm, 14/04/2022 Lượt xem: 6297 In bài viết

ĐBP - Không giống như nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng cao, dù có sự giao thoa giữa các nền văn hóa và lối sống hiện đại song cộng đồng người Dao (ngành Quần Chẹt) từ trẻ nhỏ đến các cụ già ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, luôn có ý thức bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Nghi lễ trong Lễ Cấp Sắc của người Dao tại xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).

Tại xã Huổi Só - vùng đất giáp ranh giữa 3 huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La) và Sìn Hồ (Lai Châu) có hơn 2.000 người Dao Quần Chẹt (chiếm gần 80% dân số toàn xã), phân bố tại 6/9 thôn, bản nằm dọc chiều dài hàng chục ki lô mét bên dòng Đà Giang. Cộng đồng dân tộc Dao nơi đây đang gìn giữ, bảo lưu khá vẹn nguyên những thiết chế bản làng, những tập tục văn hóa cổ truyền độc đáo như lễ cúng Nương, cúng Lập Thu, cúng Cơm Mới, cúng Thóc Giống, cúng Hồn Lúa, tục thờ cúng Bàn Vương, đưa hồn người chết về Dương Châu… Trong đó, Lễ Tủ Cải (Lễ Cấp Sắc), một trong những nghi lễ quan trọng nhất để nam giới dân tộc Dao được công nhận trưởng thành; được đặt lại tên để báo cáo tổ tiên; được công nhận là con cháu Bàn Vương; được trao quyền làm thầy, được thờ cúng tổ tiên...

Hiện nay, Lễ Tủ Cải của người Dao vẫn đang được duy trì thực hành trong các gia đình. Việc duy trì thực hành được nhóm Dao Quần Chẹt thực hiện tốt và thường xuyên. Trong quá trình thực hiện các quy trình của lễ Tủ Cải, người Dao rất chú trọng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ có định hướng và mục đích rõ ràng, cụ thể thông qua việc cho lớp trẻ tham gia trực tiếp vào các công đoạn và thực hành các nghi lễ hỗ trợ các thầy cúng chính trong khi làm lễ.

Được làm Lễ Tủ Cải từ năm 9 tuổi, đến năm 10 tuổi anh Tẩn A Nó, thôn 2, xã Huổi Só đã được theo các thầy cúng để học, tham gia giúp trong các lễ thức của Lễ Tủ Cải. Anh Nó chia sẻ: Việc được tham gia, được thực hành trực tiếp vào các công đoạn hỗ trợ các thầy cúng chính trong khi làm lễ giúp lớp trẻ chúng tôi cảm nhận rõ hơn được ý nghĩa của nghi lễ cũng như phong tục của dân tộc mình. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm vào việc duy trì bảo tồn di sản, thấy tự hào với vai trò của bản thân, càng ý thức học tập và giữ gìn di sản.

Trong bối cảnh văn hóa truyền thống các dân tộc được coi trọng và khơi dậy, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được chú ý gìn giữ, phát huy. Những năm gần đây, huyện Tủa Chùa đã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao ở địa phương như: Tuyên truyền người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống của người dân địa phương; bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian; xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống... Tháng 12/2020, tại xã Huổi Só, UBND huyện Tủa Chùa tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Tủ Cải của đồng bào Dao, ngành Dao Quần Chẹt, theo Quyết định số 255/QĐ-BVHTTDL, ngày 22/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc Lễ Cấp Sắc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc Dao Quần Chẹt sinh sống dọc bên bờ dòng Đà Giang; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, bổ sung nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản những giá trị văn hóa phi vật thể.

Một nét văn hóa truyền thống vẫn được đồng bào dân tộc Dao giữ gìn, duy trì là việc may vá, thêu hoa văn trên những tấm áo Chàm. Không cầu kỳ như trang phục của người Dao Tiền, Dao Đỏ với nhiều hoa văn thêu hình hoa lá, muông thú, chim chóc hay chiếc khăn quấn quanh đầu màu đỏ sặc sỡ, trang phục của người Dao Quần Chẹt ở Huổi Só giản đơn và gắn với thực tế cuộc sống hàng ngày. Đi khắp các thôn, bản ở Huổi Só, đâu đâu cũng nghe lách cách tiếng thoi đưa trên khung cửi. Dù hiện nay vải may quần áo bán ở chợ song người Dao Huổi Só vẫn tự dệt theo cách thủ công rồi nhuộm chàm. Tuy trang phục không cầu kỳ về hoa văn họa tiết nhưng để hoàn thành một bộ lại rất kỳ công, mất nhiều thời gian. Chúng tôi ghé thăm một gia đình có nhóm chị em đang tỉ mẩn, cẩn thận từng động tác trên khung dệt. Bà Phàn Thị Ọi (thôn 2, xã Huổi Só) dừng đưa thoi và nói về công việc của mình: Hầu hết phụ nữ Dao Quần Chẹt vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Trong dòng họ, gia đình, các mẹ, các bà là người truyền nghề dệt, thêu thùa cho con cháu. Vì vậy, phụ nữ có vai trò quan trọng, trực tiếp gìn giữ, lưu truyền nét đẹp truyền thống. Đặc biệt, từ bé, các em nhỏ đã được bà, được mẹ dạy may vá, thêu thùa, đến tuổi trăng tròn thì đã có thể tự may trang phục cho bản thân. Vì thế, tôi cũng truyền dạy cho các con gái từ cách se chỉ, luồn kim, đưa thoi… đến khi làm ra thành phẩm. Bà truyền nghề cho mẹ, mẹ lại truyền nghề cho con... việc dệt, may trang phục cứ thế, từ đời này sang đời khác, đồng bào dân tộc Dao ở Huổi Só đã lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là cách để các thế hệ con cháu ngành Dao Quần Chẹt tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, huyện Tủa Chùa khuyến khích sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong sinh hoạt và trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương như: Thông qua các hình thức truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc; đưa văn hóa dân tộc thiểu số vào các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy tiếng dân tộc cho người dân địa phương và cho cán bộ đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số...

Năm 2020, xã Huổi Só có Nghệ nhân dân gian Phàn Quang Châu (sinh năm 1952, trú tại thôn Huổi Lóng) được Nhà nước công nhận và cho phép truyền dạy các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao. Là người dân tộc Dao, Chủ tịch UBND xã Huổi Só, ông Tẩn A Đạt cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực được tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả tốt như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao, phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (Lễ Cấp Sắc, Lễ Tạ mộ tổ)… Lễ Cấp Sắc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt. Để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vai trò của nghệ nhân Phàn Quang Châu là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn cần tới sự quan tâm, thường xuyên động viên của các cấp, ngành, để các nghệ nhân tích cực truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ, qua đó góp phần bảo lưu những nét văn hoá truyền thống.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top