Nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường

14:35 - Thứ Sáu, 22/04/2022 Lượt xem: 5697 In bài viết

Môi trường là vấn đề “nóng” của thế giới. Giáo dục về môi trường, bởi thế, đang ngày càng được quan tâm mà xuất bản, truyền thông là những lĩnh vực hoạt động hiệu quả trong việc nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người, đặc biệt là thiếu nhi.

Bìa một cuốn sách viết về môi trường dành cho thiếu nhi.

“Mềm hóa” thông tin chuyên ngành

Những năm trước, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu thường được thông tin đến người dân rất trung thực, chính xác, đầy ắp số liệu và nhiều những từ chuyên ngành. Điều này đúng, nhưng lại khiến một bộ phận lớn người dân không hiểu được hết. Với nhiều người, các cụm từ như hiệu ứng nhà kính, các hiện tượng như El Nino, La Nina... hết sức xa lạ. Bởi thế, truyền thông khoa học môi trường đã được chú ý hơn để có thể đưa thông tin, thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ nhằm tiếp cận được với nhiều người hơn. Và sách là công cụ truyền thông hết sức hiệu quả để “mềm hóa” thông tin chuyên ngành môi trường. Thạc sĩ sinh thái Anh Tuấn, người sáng lập chuỗi chương trình Trải nghiệm Thiên nhiên, cho biết, truyền thông khoa học là cách chuyển kiến thức hàn lâm thông qua sách đến từng đối tượng độc giả theo các lứa tuổi.

Nếu một cuốn sách quá “nặng” kiến thức chuyên môn, ít chất văn chương, sáng tạo thì sẽ khó hấp dẫn người đọc phổ thông. Ngược lại, những tác phẩm về thiên nhiên môi trường nếu hư cấu, sáng tạo quá nhiều lại thành không thực tế. Dòng sách giáo dục về thiên nhiên, môi trường ngày càng được chăm chút đầu tư về cả hình thức và nội dung, đặc biệt là sách dành cho thiếu nhi, như “Công dân nhí bảo vệ tự nhiên”, “Hiệp sĩ nước sạch”, “Chăm sóc hành tinh chúng mình”, “Hít hà mùi đất nước”, “Thời tiết là gì?”, “Go Green!”, “Bộ sách đầu đời về thiên nhiên”... Sách thiên nhiên, môi trường dành cho thiếu nhi hết sức đa dạng. Thông tin được chia nhỏ, nội dung ngắn để trẻ dễ nhớ, nhiều minh họa bắt mắt. Các bài học, số liệu, dữ kiện thật đã được lồng ghép, nhân hóa trong một câu chuyện sáng tạo.

Câu chuyện của tác giả Trang Nguyễn là một ví dụ. Từ cuốn sách đầu tay “Trở về nơi hoang dã” đến tác phẩm được vinh danh giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư - 2021 “Chang hoang dã - Gấu” đã khiến Trang Nguyễn “ngộ” ra rằng, người đọc có thể không nhớ rõ có bao nhiêu động vật bị giết, nhưng những câu chuyện trải nghiệm về bảo tồn động vật, các cuộc chiến chống lại nạn săn trộm, về những lần vượt thử thách đến thót tim của những chiến binh bảo vệ động vật lại luôn cuốn hút họ. Một câu chuyện kể từ trải nghiệm và cảm xúc thật sẽ luôn lay động độc giả hơn là nói kiểu... khoa học. Chẳng thế mà, dù không phải là tác giả chuyên nghiệp nhưng những cuốn sách của Trang Nguyễn vẫn luôn “đắt hàng”. Riêng “Chang hoang dã - Gấu” không chỉ đạt giải thưởng mà còn được bán bản quyền ở nhiều nước trên thế giới.

Tình yêu thiên nhiên dẫn đến ý thức bảo vệ môi trường

Sự thành công của cuốn sách “Chang hoang dã - Gấu” cho thấy, sách về giáo dục môi trường nếu chỉ chăm chăm những thông điệp quá lớn lao sẽ khó tiếp cận với độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ. Tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, người viết lời bộ sách “Hít hà mùi đất nước”, cho rằng, đôi khi người lớn chúng ta thường đẩy các vấn đề lên khá nghiêm trọng, trong khi các em nhỏ lại cần được tiếp cận như một điều nho nhỏ quan tâm hằng ngày. Các tác phẩm nếu muốn thủ thỉ với các bạn nhỏ thì trước đó phải biết lắng nghe các em. Sách phải đóng vai trò là người bạn, trước hết là gợi mở để trẻ em tò mò khám phá bước vào thiên nhiên, sau đó đóng vai trò nhắc nhở, thủ thỉ để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong trẻ. Có tình yêu với thiên nhiên sẽ đưa đến ý thức muốn gần gũi và bảo vệ thiên nhiên.

Thiên nhiên rất phong phú nhưng những đầu sách về thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên nước Việt vẫn còn chưa nhiều, số lượng sách nhập ngoại vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo Thạc sĩ Anh Tuấn, sách giáo dục môi trường cho thiếu nhi  có thể đi theo hai hướng: Một là về những loài động, thực vật đặc hữu của Việt Nam để qua từng câu chuyện nho nhỏ mà khơi gợi, dẫn lối cho bạn đọc nhỏ tuổi khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên nước Việt; hai là những câu chuyện truyền cảm hứng về những người đã và đang bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam như chân dung những người bảo vệ rừng, những người nước ngoài đến sinh sống ở Việt Nam để bảo vệ một loài động vật nào đó... Các sách về thiên nhiên môi trường nếu mang những yếu tố địa phương gần gũi thì sẽ càng dễ tiếp cận độc giả trong nước.

Là đơn vị đã có nhiều đầu sách về đề tài thiên nhiên môi trường, đại diện của thương hiệu sách Nhã Nam, ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam bày tỏ: “Dòng sách thiên nhiên môi trường của Nhã Nam tuy chưa có logo nhận diện tủ sách, nhưng từ năm 2016 Nhã Nam đã có sự quan tâm và có nhiều đầu sách về đề tài này. Trong tương lai chúng tôi rất hy vọng nhận được sự ủng hộ của nhiều tác giả, độc giả cũng như các đơn vị xuất bản khác để cùng chung tay phát triển dòng sách thiên nhiên môi trường, xuất bản được nhiều đầu sách có giá trị một cách có hệ thống”.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top