Ý nghĩa chương trình “Chung một dòng sông”

10:07 - Thứ Tư, 27/04/2022 Lượt xem: 4523 In bài viết

Tối 26-4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung một dòng sông” tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự chương trình "Chung một dòng sông".

Tới dự chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương...

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, gần 50 năm đã trôi qua, trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương vẫn là những vùng ký ức, nhắc chúng ta về những thập kỷ khắc nghiệt nhất của dân tộc, về sự chia cắt, phân ly, đồng thời cũng là biểu tượng của đức hy sinh, của tình yêu thương và lòng nhân ái, của hòa hợp và hòa giải dân tộc. 

Chương trình nghệ thuật “Chung một dòng sông” là nén hương thơm thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây cũng là món quà nghệ thuật đặc biệt gửi đến những người dân đôi bờ Bến Hải, với mong muốn Quảng Trị năm xưa kiên cường, trung dũng, ngày nay không ngừng phát triển, mạnh giàu.

Với 5 trục nội dung chính: Khát vọng, hạt giống hòa hợp vượt qua chia cắt - Tình yêu quê hương, xứ sở - Chung tay xây dựng, phát triển, giữ gìn đất nước - Cùng chung tiếng Việt yêu thương - Thế hệ mới, cội nguồn xưa, chương trình nhằm hướng tới thông điệp “Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước”. 

Các tiết mục biểu diễn trong chương trình.

Trong chương trình, khán giả được nghe nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng như: “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Tình ca”, “Quê hương”, “Thương ca tiếng Việt”, “Anh có về Quảng Trị với em không” qua phần thể hiện của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, các ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết, Thanh Thanh, Bạch Trà, rapper Quốc Trung, nhóm Oplus, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam…

Điểm đặc biệt nhất của chương trình là những câu chuyện được kể xen kẽ giữa các tiết mục nghệ thuật được thực hiện tại các điểm cầu Hiền Lương và một số địa danh lịch sử tại Quảng Trị. Đó là câu chuyện của những người con xa quê hương, kể về tình yêu quê hương, cội nguồn dân tộc có vai trò quyết định như thế nào đối với cuộc đời họ. Đó là câu chuyện cảm động về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Câu hò trên bến Hiền Lương”, do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác; câu chuyện âm nhạc của hai ca khúc cùng mang tên “Tình ca”.

Chương trình còn kể những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt hai miền, câu chuyện về tình đồng bào giữa những người lính ở hai bên bờ chiến tuyến; về những người từng rời bỏ đất nước ra đi và đã quay trở lại hoặc hướng về quê hương với những việc làm khác nhau...

“Chung một dòng sông” không chỉ mang ý nghĩa nước non đã nối liền một dải mà còn mang ý nghĩa nối liền trái tim, tình cảm của những người con đất Việt bằng tình yêu quê hương và tinh thần dân tộc.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top