Giữ lửa lăm vông bên dòng sông Mã

06:19 - Thứ Năm, 28/04/2022 Lượt xem: 5708 In bài viết

ĐBP - Khi màn đêm buông xuống, tại nhà văn hóa các bản người Lào thuộc xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) lại rộn vang tiếng hát. Tại đây, chị em say sưa tập luyện, nhóm thì múa lăm vông, người thì cất cao tiếng hát. Lăm vông là điệu múa gắn liền bao thế hệ người dân tộc Lào tại Mường Luân.

Múa lăm vông bên tháp cổ nhân dịp lễ Xên bản tại Mường Luân (huyện Điện Biên Đông).

Dân tộc Lào tại huyện Điện Biên Đông sống và sinh hoạt chủ yếu tại xã Mường Luân bên dòng sông Mã. Các phong tục truyền thống của người dân tộc Lào tại đây vẫn được giữ gìn và duy trì đến ngày nay, như dệt vải, đánh cá... Đặc biệt, khi nhắc đến người Lào chúng ta nhớ ngay đến điệu múa lăm vông. Điệu múa đặc trưng không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội, mà còn hiện diện tại các sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của người Lào; thể hiện tình đoàn kết, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của bà con.

Với lối sống bình dị, gần gũi, nhiệt tình và ưa thích ca hát, lăm vông là điệu múa thể hiện tâm hồn trong sáng, sự đoàn kết, hòa hợp với thiên nhiên và hiếu khách của con người tại đây. Trong tiếng Lào “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Múa lăm vông có đội hình tròn, chuyển động ngược kim đồng hồ hoặc có thể 2 người một nam một nữ múa đôi với nhau. Điệu lăm vông rất nhẹ nhàng, dễ học dễ nhảy, chỉ cần một chút khéo léo, sự mềm dẻo của cơ thể và bàn tay là có thể múa lăm vông một cách cơ bản.

Chị Lò Thị Dung, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân cho biết: Mỗi tối, từ 19 giờ 30 đến 20 giờ đều có 7 - 10 chị em đi tập múa; múa được thì dễ nhưng để múa đẹp, đồng đều thì cần luyện tập nhiều. Đây là điệu múa truyền thống từ bao đời, là người Lào thì phải biết lăm vông. Mỗi khi đi tập mọi người đều rất chăm chỉ, đây không những là dịp để gìn giữ phát huy điệu múa truyền thống, còn là dịp mọi người tìm hiểu, gần gũi và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Bà Lò Thị Thành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Luân chia sẻ: Múa lăm vông là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân tộc Lào tại đây. Mong muốn các nét văn hóa truyền thống không bị mai một theo thời gian và ngày càng phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Xã Mường Luân đã chỉ đạo thành lập các đội múa ở 4 bản người Lào. Việc tập luyện diễn ra khá suôn sẻ; đây là dịp để người dân có thể tìm hiểu các điệu múa truyền thống, đồng thời nhen nhóm niềm tự hào, gìn giữ, quảng bá và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Cũng giống như người Thái, có vòng xòe thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ, chung vui và phát triển; người Lào có múa lăm vông, với đội hình tròn, chuyển động theo hướng ngược kim đồng hồ, vòng tròn thể hiện sự gắn kết, đoàn kết giúp đỡ nhau. Khi múa phần bàn tay cuộn lại rồi vừa ép ngón trỏ vào tay cái sau đó các ngón tay xòe rộng và uốn cong như nước chảy nhẹ nhàng êm đềm và uyển chuyển luồn qua các khe đá tại sông Mã. Với mong muốn một cuộc sống yên bình, êm đềm, vui vẻ, mọi trở ngại, khó khăn đều đi qua. Đồng thời cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

Có thể nói việc thành lập các đội múa như nhóm lên những ánh lửa nhỏ với tình yêu các nét văn hóa truyền thống của người Lào tại đây. Mỗi nhịp nhún chân, mỗi lần xòe tay cùng tiếng nhạc như làn gió nhẹ thổi vào những đốm lửa ấy.

Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top