Đa dạng trải nghiệm dịp nghỉ lễ

15:42 - Thứ Sáu, 29/04/2022 Lượt xem: 4305 In bài viết

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bị gián đoạn, thì dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và Ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay, hứa hẹn có nhiều khởi sắc. Hiện nhiều bảo tàng, di tích, điểm giao lưu văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng đa dạng các chương trình, sự kiện đặc sắc, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhân dân Thủ đô và du khách.

Các em học sinh tìm hiểu nhạc cụ dân tộc trưng bày tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm).

Hòa nhịp vui chung

Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa công bố chuỗi hoạt động văn hóa dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại “Ngôi nhà chung”, với điểm nhấn là không gian chợ phiên vùng cao đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Tại đây, hơn 100 đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Tày, Nùng, Dao, Mường… sẽ mang đến cho công chúng và du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa dân gian vùng cao đầy cảm xúc, như: Tham gia các trò chơi truyền thống ngày Tết; thưởng thức sản vật, ẩm thực đặc trưng; trải nghiệm nghề truyền thống...

Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, chợ phiên vùng cao tái hiện chợ phiên đậm sắc màu văn hóa, với các gian hàng bày bán thổ cẩm, hương liệu, thuốc nam, măng khô, rau rừng…; các khu vực giới thiệu nghệ thuật khèn Mông, hát giao duyên…; không gian tái hiện quy trình dệt vải, in hoa văn trên trang phục; không gian trải nghiệm giã bánh dày, đánh quay, leo cột, đẩy gậy...

“Với những người yêu thích tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, trong dịp này có cơ hội trải nghiệm các nghi thức Tết nhảy của người Dao, Lễ hội cầu mưa của người Thái, hay hoạt động cầu an của đồng bào Khmer. Qua đó, hiểu sâu sắc thêm bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất, góp phần kết nối mọi người hòa nhịp vui chung cùng đất nước...”, ông Trịnh Ngọc Chung chia sẻ.

Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, còn có các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa tại nhiều không gian di sản thuộc khu phố cổ Hà Nội. Có thể kể đến, đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), với triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt”; Hội quán phương Đông (số 22 Hàng Buồm) với trưng bày “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô”; Trung tâm Thông tin - Văn hóa Hồ Gươm tổ chức không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp, tái hiện một thời kỳ khó khăn nhưng đáng trân trọng của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Đặc biệt, vào các khung giờ cố định tại nhiều điểm đến thuộc Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có các buổi trình diễn nghệ thuật dân gian, đương đại phục vụ nhân dân. Bà Lê Thùy Linh (phố Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) cho hay, bà rất ấn tượng với các không gian sắp đặt tại đây, bởi thông tin cô đọng mà đầy đủ và đặc biệt là đề cao tính tương tác. “Tôi tin, những trải nghiệm tại phố cổ Hà Nội sẽ góp phần làm giàu thêm kiến thức cũng như cảm xúc cho mỗi người khi đến đây”, bà Lê Thùy Linh bày tỏ.

Thăng hoa cùng đất nước

Sau thời gian dài tạm lắng vì dịch bệnh, dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và Ngày Quốc tế lao động 1-5 hứa hẹn là thời điểm “nở rộ” các hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật. Với vai trò trung tâm văn hóa đất nước, các bảo tàng, di tích, điểm giao lưu văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã và đang mang đến rất nhiều lựa chọn cho người dân, du khách “thăng hoa cùng đất nước”, trong đó, mỗi điểm đến lại có những chương trình hấp dẫn và ý nghĩa khác nhau.

Có thể kể đến, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có trưng bày đặc biệt về Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng - người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” giới thiệu các tác phẩm ký họa, phản ánh chân thực, đầy cảm xúc về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến cam go của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1954-1975. Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục các chương trình trải nghiệm di sản “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”…

Cũng trong dịp này, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) khai trương nhiều tiểu cảnh nghệ thuật đường phố, kết hợp trình chiếu ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực và điểm nhấn là cung đường nghệ thuật mang tên một tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của người nhạc sĩ tài hoa. Còn Thành cổ Sơn Tây khởi động tuyến phố đi bộ, với nhiều hoạt động quảng bá và giao lưu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn được tổ chức… Bên cạnh đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt phục vụ khán giả trong dịp nghỉ lễ tại các nhà hát, điểm quảng bá di sản trên địa bàn Hà Nội.

Với những hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú “nở rộ” đợt này, người dân Thủ đô và công chúng cả nước có thể kỳ vọng vào một kỳ nghỉ nhiều trải nghiệm bổ ích.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top