ĐBP - Với hệ thống di sản văn hóa vật thể khá đa dạng, phong phú, vì vậy nhiều năm qua huyện Tuần Giáo đã và đang nỗ lực khai thác hiệu quả “vốn” quý này để phát triển du lịch, thu hút du khách thập phương. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ nên việc phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể gắn với thu hút khách du lịch chưa thực sự hiệu quả.
Trên địa bàn huyện Tuần Giáo nhiều văn hóa vật thể được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành huyện Tuần Giáo đã nỗ lực thực hiện công tác quản lý, tu bổ, phát huy giá trị di tích và đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, công tác quản lý và tôn tạo chưa đồng bộ nên nhiều di tích đang xuống cấp. Đặc biệt, chưa có nhiều di tích được đầu tư trùng tu tôn tạo ở quy mô lớn, toàn diện mà hầu hết chỉ dừng ở mức chống xuống cấp là chính dẫn tới chưa thu hút được khách tham quan.
Tại khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, để tri ân người thiếu niên kiên cường, bất khuất Vừ A Dính, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã đầu tư kinh phí xây dựng Nhà lưu niệm trị giá 500 triệu đồng và trao tặng bức tượng đồng Vừ A Dính. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009. Nhà lưu niệm đã trở thành “bảo tàng” về cuộc đời, thân thế, quá trình hoạt động cách mạng của anh hùng thiếu niên Vừ A Dính. Tuy nhiên theo ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung: “Hiện nay một số hạng mục: Cửa sổ, tường, cửa ra vào... của nhà lưu niệm đã xuống cấp; đặc biệt do nằm trong khuôn viên UBND xã nên việc thu hút khách du lịch, người dân trong và ngoài xã đến tham quan, dâng hương tưởng niệm vẫn còn hạn chế. Để tạo điều kiện cho du khách, người dân đến dâng hương, tìm hiểu về anh hùng Vừ A Dính xã đề nghị cấp trên chuyển nhà lưu niệm về Khu Tưởng niệm Anh hùng Vừ A Dính và các liệt sĩ xã Pú Nhung”. Cùng với đó, năm 2014 từ nguồn ngân sách Nhà nước xã Pú Nhung được đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Vừ A Dính và các liệt sĩ xã Pú Nhung, có diện tích 6.600m2, tọa lạc trên ngọn đồi bên trục đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã (vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng). Công trình gồm 3 hạng mục chính: Nhà bia tưởng niệm; trục hành lễ; sân và đường lên khu nhà tưởng niệm...) Năm 2017 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng; tuy nhiên hàng năm lượng khách tới tham quan, dâng hương tri ân vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để bảo tồn di sản văn hóa vật thể gắn với phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, huyện Tuần Giáo đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể dưới nhiều hình thức, phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các điểm di tích Đèo Pha Đin, Hang Thẳm Púa, Điểm tập kết hậu cần nằm trong Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ... Tìm kiếm, kiểm kê di tích trên địa bàn huyện; phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh công bố danh mục kiểm kê và tiến tới lập hồ sơ khoa học, đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa các dân tộc trong huyện, đặc biệt là những tư liệu, tài liệu, hiện vật cổ, quý hiếm liên quan đến di sản văn hóa và chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện từng bước việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đối với 5 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện (3 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp quốc gia). Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường đến các điểm di tích, các điểm du lịch, nhằm kết nối các điểm du lịch liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan các điểm du lịch. Huyện Tuần Giáo phấn đấu đến năm 2025 đón trên 50.000 lượt khách/năm; trong đó có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể.