Ra đi từ rừng

05:59 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 7058 In bài viết

ĐBP - Con gà rừng chưa gáy, nhà Bun đã sáng rực, rộn ràng. Ngoài trời vẫn tối.

Suốt đêm qua Bun không tài nào chợp mắt được. Cứ nhắm mắt là hình ảnh đồi núi, những con suối róc rách chảy quanh co giữa khe đá hiện ra, cả hình ảnh của mẹ lúi húi bẻ bắp trên nương trong ánh nắng chiều vàng liên tục hiện ra trong tâm trí. Nó tự nhủ: “Chắc sau này rời quê, mình sẽ nhớ nơi này nhiều lắm!”.

Mẹ nấu xôi trong bếp. Khói tỏa ra thơm phức cả gian nhà. Mùi xôi này Bun đã quen từ ngày còn bé xíu, mỗi lần Bun đi thi những kỳ thi quan trọng mẹ lại nấu xôi ăn cho vững bụng, mẹ nói: “Ăn xôi đậu đi thi cho đậu”. Đó chỉ là quan niệm dân gian, nhưng Bun dần tin là sự thật, bởi lần nào ăn xôi mẹ nấu điểm thi cũng cao chót vót, mấy kỳ thi học sinh giỏi, thi viết chữ đẹp vòng trường, vòng tỉnh Bun đều có giải.

Bếp lửa đã tắt giữa gian nhà bao nhiêu năm vẫn vậy, không thay đổi. Từ lúc ông nội đi, bố mẹ Bun vẫn giữ nguyên gian nhà cất theo kiểu xưa trên mảnh đất gập ghềnh, giữa điệp trùng đồi núi. Căn nhà không đổi, những nếp sinh hoạt quen thuộc trong nhà cũng không đổi, Bun lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và truyền thống tốt đẹp của gia đình, trở thành đứa con ngoan ngoãn, chăm học. Bố nói: “Không đi học, sau này khổ, ráng chịu”. Bố chỉ ra mảnh đất sau nhà, trên sườn đồi thoai thoải: “Không chịu khó học, bố cho mày cày cục trên mảnh đất đó, rồi mày sẽ giống bố mẹ, suốt đời lam lũ, chưa một ngày đặt chân xuống thành phố xem ở dưới đó có gì. Học đi con ơi!…”.

Bố thiết tha hi vọng Bun đi học, nhất là khi bố thấy trong làng nhiều đứa trẻ cỡ tuổi nó, có đứa nhỏ hơn đã phải nghỉ học, suốt ngày chạy còng còng trên rẫy, thân mình đen nhẻm. Bun ham học từ nhỏ. Làng ở xa, khuất sâu trong thung lũng. Điện chưa về làng nên nhà nhà còn phải dùng đèn dầu thắp sáng. Trường cũng xa, ngày nhỏ mẹ dắt tay đi hết thung lũng này, đánh một đường cong trên triền đồi mới đến được trường.

Từ nhỏ đến lớn, Bun đã quen sống với bố mẹ, sáng đến trường, chiều lên rẫy phụ mẹ bẻ bắp, cắt cỏ cho bò ăn, tối đến ngồi bên bếp lửa bập bùng học bài trong không gian thoảng mùi thơm của bắp nướng than hồng. Chuyện cho Bun đi học ở thành phố tưởng đơn giản nhưng không phải, bố mẹ đã tính toán rất kỹ. Mẹ nói: “Hay là thôi, tôi thấy cho nó ra thành phố xa xôi quá, nào giờ nó có xa mình đâu”. Bố một mực phải để Bun ra phố học, ở đó có điều kiện để phát triển, cực thế nào cũng chấp nhận, miễn sao được đi học tử tế. Bố sợ Bun phải lớn lên trong cái thung lũng buồn tẻ này, phải chôn chân với ruộng rẫy sau nhà, rồi sẽ trở thành người nông dân tay bùn chân lấm. Hôm nọ cô giáo vào làng, ghé ngang qua nhà Bun, sau khi nhấp chén nước trà ấm giọng, cô trìu mến nói: “Nhà mình nên để Bun ra phố học, trường làng chỉ dạy được đến lớp năm thôi. Bun sẽ quen dần với nhịp sống trên đó, cuối tuần vẫn có thể về nhà chơi, chiều chủ nhật lại lên”.

Mọi việc đã tính toán xong xuôi, Bun cũng đã đồng ý ra thành phố học “để có tương lai” - theo cách nói của bố. Mấy ngày cuối cùng ở nhà trước khi vào mùa học mới, Bun đã rong ruổi hết từ đồi này sang đồi khác, ngồi thong dong trên đèo nhìn ra xa xôi, rừng cây cuộn mình trong làn sương huyền ảo. Bun về nhà ngồi cun cút bên mẹ như một con mèo ngoan, nhìn mẹ nấu ăn, theo mẹ lên rẫy tưới bắp. Mẹ biết thằng nhỏ thương mình, mai mốt đi học xa chắc sẽ nhớ nhà, nhớ bố mẹ rất nhiều nên mẹ cố giấu nỗi buồn trong mắt để kể cho Bun nghe toàn chuyện vui, dặn nó ra phố phải ráng học, cuối tuần lại về nhà, hết vụ bắp bố mẹ sẽ lên thành phố thăm.

Sáng ấy, khi bình minh lên, con gà rừng gáy vang là lúc Bun lên thành phố. Đồ đạc, quần áo, sách vở đã được sắp xếp xong xuôi. Bun ngồi bên, cố sát lại gần mẹ, như để ngửi lấy cái mùi của nương rẫy, núi đồi, mùi của bắp non trên chiếc áo lâu năm vá chằng vá đụp của mẹ. Cái mùi cần mẫn, cái mùi nhọc nhằn mà nó đã quen từ thuở lọt lòng cho đến ngày cắp sách. Khoảnh khắc ấy tự nhiên nó lại không muốn đi xa. Như những chuyến đi trước, lúc chưa đi thì háo hức, lúc sắp đi lại ước được ở lại nhà, được ngồi bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà bao nhiêu năm không đổi…

Khoảnh khắc đó, nó bỗng nhớ tới lời cô giáo nói: “Trẻ em như búp trên cành, mà búp non thì cần được chăm bón, phát triển ở một môi trường tốt. Thành phố - nơi đó sẽ giúp con lớn khôn, trí tuệ, thành người. Cố lên, con!”.

Bố chở Bun đi khắp, qua đèo, nhìn núi rừng bát ngát trong sương sớm. “Nhìn đi con, quê mình đó, sau này lớn khôn không được quên quê mình, con nhé”. Mắt cay xè, hình như không phải do gió rừng tạt vào như những hôm lội bộ đi học. Bun nhìn, này núi đồi, này rừng cây xanh bao la, này những ngôi nhà lúp xúp dưới thung lũng tắt đèn, này rẫy xanh màu bắp, màu rau đậu…

Những ý nghĩ đó cứ lập lờ trong Bun khi xe lắc lư trên đường. Phía sau lưng là bố mẹ, là quê hương. Còn trước mặt là gì Bun không rõ bởi từ nhỏ nó chưa một lần rời khỏi cái buôn làng này, nơi xa nhất trước giờ từng đi, có lẽ là thị xã… Nhưng chắc phía đó vui lắm, rực rỡ lắm, phía đó là những điều hay điều lạ mà Bun sẽ học hỏi. Rồi một ngày sẽ trở lại làng xưa.

Chiếc xe đò vòng qua cung đèo uốn lượn. Bình minh rực rỡ, huy hoàng…

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Bình luận

Tin khác

Back To Top