''Truyện cổ tích'' thời Covid

09:19 - Thứ Hai, 30/05/2022 Lượt xem: 5132 In bài viết

Như nhiều cô cậu bé cùng độ tuổi học lớp 5 khác, giữa đợt cao điểm của đại dịch Covid-19, cậu bé Trần Cơ Bản bị “mắc kẹt” trong bốn bức tường nhà chật hẹp, ngày ngày đi học trên “ngôi trường online”. Biết bao chiêu trò của tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” khi học trực tuyến đã được tác giả Huy Thông kể lại đầy dí dỏm trong cuốn sách viết cho thiếu nhi “Cơ Bản là Cơ Bản” (NXB Kim Đồng, 2022).

Trần Cơ Bản ngoan ngoãn, học giỏi. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bố mẹ và cô giáo phát hiện ra năng khiếu văn chương của cậu, đặc biệt là khả năng ứng khẩu thành vè. Cậu thường xuyên đặt vè giúp công việc bán hàng online của mẹ phát đạt. Trần Cơ Bản vốn có ít bạn. Những ngày đại dịch phải “nhốt mình trong nhà, làm bạn với ti vi, điện thoại và làm thơ cho mẹ bán hàng”, bố em nhận ra con mình thiếu hụt rất nhiều kỹ năng mềm - những kỹ năng mà chỉ kiến thức sách vở thì không đủ, và “giáo sư google” cũng không thể giải đáp được.

Muốn Cơ Bản được trải nghiệm cuộc sống ở thế giới bên ngoài những trang sách giáo khoa và màn hình điện thoại, muốn con được mở rộng hiểu biết thay vì sống khép kín mỗi ngày với mớ kiến thức khô cứng, bố em đã đưa em về quê nội. Chuyến du lịch về quê đã đưa Cơ Bản khám phá nét văn hóa đặc sắc của vùng Mường cổ Thanh Hóa như trò rối Chuộc, đêm chèo ma, và được trải nghiệm cuộc sống tuổi thơ cưỡi trâu, thả diều, tắm suối mà trước nay có chăng cậu chỉ được đọc trong truyện.

Để rồi cậu bé “thần đồng” có phần kiêu ngạo ở thành phố ấy chợt nhận mình “mít đặc” biết bao nhiêu khi xa rời các bài học của sách giáo khoa, khi không có máy tính và mạng internet để có thể tra google. Không biết làm sao khi bị đỉa bám vào bắp chân, có mỳ tôm mà loay hoay không thể nào nổi lửa để nấu chín... Bao tình huống khiến các cậu bé công tử bột thành phố như Cơ Bản và Kiên nhận ra rằng “do dịch Covid-19 kéo dài nên không thể đến trường, hằng ngày lủi thủi ở nhà một mình, phải tự túc ăn uống, học hành, sinh hoạt... tưởng vậy đã là ghê gớm lắm. Nhưng những học sinh nơi đây, họ cũng trạc tuổi tôi và đã biết tự chăm lo cho bản thân mình từ rất lâu rồi”.

Hai câu chuyện ở phố và ở quê tưởng tách biệt nhưng lại gắn kết lại qua với những đứa trẻ làm cầu nối như Cơ Bản, như Kiên, như Huyền. Truyện cổ tích có thật đã thực sự đến ở những chương cuối truyện. Cơ Bản và Kiên đã tìm thấy những gì mình còn thiếu nơi miền quê; ngược lại, những cô bé cậu bé miền núi như Huyền có được sự giúp đỡ của các bạn thành phố để có nhiều cơ hội học tập và phát triển.

Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, “Với 21 tựa đầu chương luôn là “Cơ bản...”, tập truyện “Cơ Bản là Cơ Bản” của tác giả Huy Thông đã mang đến cho thế giới con trẻ một tác phẩm sinh động. Các câu chuyện được tác giả xâu chuỗi bằng nguồn năng lượng tích cực, bởi mỗi chương là hành động tử tế, là duy niệm ý thức dần được bồi đắp, chỉnh trang cho phù hợp với thời đại đầy biến động”.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top