Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc ở Nậm Pồ

05:50 - Thứ Tư, 01/06/2022 Lượt xem: 7991 In bài viết

ĐBP - Huyện Nậm Pồ hiện có 8 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Thực hiện các chủ trương của Huyện ủy, nhất là bám sát Nghị quyết về “Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025”, cấp ủy, chính quyền cùng người dân nơi đây đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Nghi thức cúng hạ cây nêu trong Lễ hội Gầu tào được phục dựng tại xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ).

Năm 2021, huyện Nậm Pồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Di sản múa của người Khơ Mú và Nghề làm giầy thêu của người Hoa (Xạ Phang), nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện lên 3 di sản. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ cho biết: Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn huyện, trong thời gian tới Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt Kế hoạch triển khai Nghị quyết về Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, dự kiến trong năm 2022, 2023 mở 2 lớp truyền dạy múa cơ bản dân tộc Khơ Mú; cùng với đó làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị di sản”.

Cùng với đó, huyện Nậm Pồ tiến hành rà soát, kiểm kê các nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện và lập hồ sơ 4 nghệ nhân tiêu biểu đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận “Nghệ nhân ưu tú” gồm nghệ nhân: Hảng A Pàng, Hảng A Sàng, Chảo Trần Phin, Lý Lìn Siểu. 4 nghệ nhân này đã được Hội đồng cấp tỉnh thông qua và hiện đang đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xem xét công nhận. Huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát bản Nà Sự, xã Chà Nưa và bản Vàng Xôn, xã Nậm Khăn để khai thác phát triển du lịch. Trong đó, bản Vàng Xôn dự kiến gắn với phát triển du lịch lòng hồ; bản Nà Sự gắn với địa điểm dừng chân trên tuyến du lịch TP. Điện Biên Phủ - Mường Nhé. Không chỉ vậy, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng hướng dẫn thành lập đội văn nghệ cơ sở và ban hành quy chế hoạt động của đội văn nghệ. Năm 2022, huyện dự kiến thành lập 1 câu lạc bộ văn hóa Thái tại xã Chà Nưa gắn với phát triển du lịch và 1 câu lạc bộ văn hóa Mông tại xã Vàng Đán để thực hiện hoạt động giao lưu văn nghệ thường xuyên định kỳ hàng tháng tại chợ phiên Ham Xoong…

Ngay trong quý I/2022, huyện Nậm Pồ tổ chức phục dựng thành công Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng. Lễ hội có quy mô cộng đồng lớn, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông nhưng vì nhiều lý do mà khoảng 30 năm nay không được tổ chức và duy trì. Việc phục dựng Lễ hội Gầu tào do các thầy cúng, nghệ nhân người địa phương trực tiếp thực hiện. Lễ hội gồm các phần chính, như: Chuẩn bị phần lễ, chọn và trồng cây nêu; thực hiện các nghi lễ cúng chính; phần hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc với đủ loại hình nghệ thuật dân gian, từ trò chơi đến ca hát, nhảy múa; kết thúc là lễ hạ cây nêu… Lễ hội Gầu tào tại xã Nà Bủng được phục dựng không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo sân chơi lành mạnh cho bà con nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài phục dựng lễ hội trên, huyện vẫn tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội “Nhảy lửa” dân tộc Dao và Lễ hội “Tết hoa” dân tộc Cống tại xã Pa Tần.

Huyện Nậm Pồ còn thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc chào mừng các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, tỉnh, huyện và tham gia các chương trình tại tỉnh. Đặc biệt, dịp Quốc khánh 2/9 tới đây, huyện Nậm Pồ dự kiến sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ I, năm 2022 tại Sân vận động xã Phìn Hồ. Với quy mô gồm 15 xã của huyện (mỗi xã 1 đoàn), gồm các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông, không giới hạn số lượng người tham gia. Ngày hội sẽ có những hoạt động hấp dẫn, như: Thi giã bánh giầy; liên hoan nghệ thuật quần chúng; thi ẩm thực; giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương; giới thiệu, quảng bá du lịch; các hoạt động văn hóa, thể thao trải nghiệm (ném pao, đánh cầu lông gà, hát giao duyên…).

Có thể thấy rằng, bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm cụ thể, Nậm Pồ đang nỗ lực chắt lọc những nét tính túy của văn hóa truyền thống để gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Có như vậy, văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn mới được bảo tồn và phát huy, trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top