Mẹ
Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng.
Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!
Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ.
Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.
Rưng rưng nỗi niềm người con
qua bài thơ về mẹ
Đỗ Trung Lai
Rưng rưng nỗi niềm người con qua bài thơ về mẹ
Đã từ bao đời nay hình ảnh người mẹ thường hiện hữu trong thơ ca, mỗi nhà thơ khi viết về mẹ đều mang đến những nét riêng đầy xúc động. Nhiều người yêu thơ từng nhắc đến “Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy, “Trở về với mẹ ta thôi” của Đồng Đức Bốn... và trong những bài thơ hay viết về mẹ không thể không nhắc đến bài thơ “Mẹ” của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Bài thơ được in trong tập thơ Đêm sông Cầu, NXB Quân đội nhân dân, 2003.
Bài thơ “Mẹ” triển khai qua hai hình tượng sóng đôi: Cau và mẹ. Nhà thơ chọn một thứ cây rất gần gũi trong đời sống ở mỗi làng quê. Đã từ bao đời, cây cau, quả cau cùng lá trầu trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần người Việt. Hình ảnh quả cau, lá trầu xuất hiện trong mọi nghi lễ quan trọng của vòng đời con người từ khi sinh ra, cưới hỏi, lễ tết đến sinh hoạt hàng ngày: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Xuyên suốt bài thơ, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã khai thác thủ pháp nghệ thuật đối lập qua từng khổ thơ để đem đến cho người đọc những cảm nhận sự gần gũi giữa cau và mẹ: Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng/ Cau - ngọn xanh rờn/ Mẹ - đầu bạc trắng.
Lời thơ ngỡ tưởng như lời nhận xét thông thường những đằng sau mỗi con chữ là bao đắng đót, xót xa khi nhận ra thời gian, nỗi vất vả cuộc đời đã hằn lên lưng còng của mẹ, trên mái đầu bạc trắng của mẹ. Không cần nhiều lời, chỉ qua hai hình ảnh lưng còng và mái đầu bạc trắng của mẹ đã gợi ra bao cảm nhận về công lao của mẹ, sự nhọc nhằn, đắng cay trong cuộc đời mẹ cho con khôn lớn, trưởng thành. Nhà thơ Trương Nam Hương khi viết về mẹ cũng có những câu đầy xúc động về tấm lưng còng của mẹ: Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao.
Cùng với thời gian, cau ngày càng cao, mẹ ngày một thấp. Dân gian có câu: Gần đất xa trời, nhằm nói lên sự già nua, cái chết đang đến gần. Sự gần đất của mẹ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghe bao nuối tiếc khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều. Mẹ như ngọn đèn trước gió, như chuối chín cây. Thời khắc con không còn mẹ đang đến ngày một gần.
Mỗi khổ trong bài thơ đều gắn với cau. Hình ảnh người mẹ và miếng trầu bao đời đã trở nên quen thuộc. Ngày xưa, khi mẹ chưa già, quả cau bổ làm tư - vừa miếng với mẹ nhưng bây giờ quả cau bổ thành tám mẹ còn ngại to. Ý niệm thời gian hiển hiện trong mỗi khổ của bài thơ, thời gian làm mẹ ngày một già đi, răng rụng dần nên dù miếng cau nhỏ nhưng vẫn rất khó khăn với mẹ.
Hình ảnh người mẹ được ví như miếng cau khô gầy, thời gian đã bào mòn tất cả. Chỉ nay mai mẹ không còn trên thế gian nữa, nhà thơ không khỏi ứa nước mắt trước hình hài của mẹ.
Khổ kết với câu hỏi tu từ, người con thảng thốt nhận ra quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, không tránh khỏi quy luật cuộc đời và ngày con xa mẹ đang đến gần. Câu hỏi nhưng không có câu trả lời, chỉ có mây bay về xa như những nỗi niềm rưng rưng, dâng trào cảm xúc: Ngẩng hỏi giời vậy/ -Sao mẹ ta già/ Không một lời đáp/ Mây bay về xa.
Bài thơ rất kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa. Lời thơ dung dị, tự nhiên, không nhiều dụng công nghệ thuật nhưng vẫn gây xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, chạm đến những gì thiêng liêng nhất của mỗi người: Tình mẫu tử.