Tạp bút

Đi tìm Tây Bắc trong thơ ca

05:49 - Thứ Năm, 09/06/2022 Lượt xem: 11134 In bài viết

ĐBP - Từ lâu, tôi đã ước ao được một lần về thăm đại ngàn Tây Bắc. Tôi yêu Tây Bắc bắt đầu từ những câu thơ, bài thơ mình được học thời phổ thông. Qua những thi phẩm ấy, tình yêu Tây Bắc lớn dần trong tôi để rồi một ngày tôi khát khao được đến với miền đất hùng vĩ mà thơ mộng trữ tình, nơi khởi đầu cho mạch nguồn thi ca chảy trôi không bao giờ đứt quãng.

Thơ ca đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, dẫn tôi qua bao mảnh đất, ngọn núi, dòng sông… mà thuở thiếu thời đi du lịch là một giấc mơ xa vời đối với cậu học trò nghèo khó. Nhưng trong tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm hướng về Tây Bắc, không biết vì lẽ gì, chắc vì miền đất ấy quá đẹp, con người xứ ấy sống giản dị, ân nghĩa ân tình…

Mãi những năm tháng sau này, khi được đến với Tây Bắc, tôi đi qua những địa danh, ngắm nhìn những hình ảnh mà một thuở tôi nghĩ rằng: có lẽ suốt đời mình chỉ biết qua thơ ca mà thôi. Tôi nhớ một buổi chiều mình lạc giữa chợ phiên, mải miết đi tìm mùa thảo quả, tìm những đặc sản hoa trái Tây Bắc ngọt lành để thưởng thức, tìm “màu thổ cẩm lượt là” và bóng hình “Cô gái Dao miệng cười duyên bên suối” trong bài thơ Tây Bắc hành của Trần Đức Phổ. Tôi không quên một chiều đi ngang qua dòng sông nào đó chảy giữa bạt ngàn cao nguyên Mộc Châu, lòng lâng lâng câu thơ của Quang Dũng viết về cảnh sông nước nên thơ yên ả: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”…

Đường lên Tây Bắc xa xôi, con tàu nối liền miền xuôi - miền núi gợi nhớ tha thiết những tháng năm nào chưa có đường tàu lên Tây Bắc, núi rừng hiểm trở, dốc núi cheo leo, sông Đà sóng vỗ nghìn trùng. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ thể hiện khát vọng về một ngày không xa Tây Bắc đổi mới, đời sống đồng bào được nâng cao. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, thi sĩ Chế Lan Viên có viết: “Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi/ Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ/ Tàu hãy vỗ giùm cho ta đôi cánh vội/ Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga”. Tây Bắc giờ đây đã khác xa, muốn lên Tây Bắc cũng chẳng cần phải vượt dòng “Đà giang độc bắc lưu” (Nguyễn Quang Bích) mà chỉ ngồi tàu lửa, ngắm núi non đại ngàn, ngắm Tây Bắc hữu tình qua ô cửa con tàu với những cánh ruộng bậc thang trù phú. Tôi cứ vấn vương mãi cái khoảnh khắc mình ngắm màu xanh um trên triền đồi Tây Bắc, những cảnh tượng ấy ở đồng bằng tôi không thể nào thấy được. Tôi mải mê ghi lại những tấm ảnh đẹp nhất bằng chiếc máy ảnh đã cùng tôi “xông pha” qua bao nơi. Tôi đứng giữa núi đồi, hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành của núi rừng để rồi mai này tất cả sẽ trở thành kỷ niệm, thành thương nhớ…

Tây Bắc - bản tình ca với những giai điệu êm ái, róc rách tiếng suối, rì rào tiếng lá, vi vu tiếng gió rít qua lèn đá, hồn hậu tiếng nói cười… Mảnh đất xinh đẹp này đã từng anh dũng và máu lửa trong chiến tranh gắn liền với hình ảnh người lính “Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới” trong bài thơ Lên Tây Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Mảnh đất ấy cũng là cội nguồn của yêu thương, người mẹ của hồn thơ bao thi sĩ để rồi thi phẩm của họ vẫn sống mãi với thời gian, trở thành ký ức đẹp của biết bao thế hệ học trò trên đất nước hiếu học này: “Nhựa nóng mười năm, nhân dân máu đổ/ Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ” (Chế Lan Viên)…

Đã từng đi qua nhiều miền đất nhưng Tây Bắc là mảnh đất để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng tôi. Tây Bắc hiền hòa, Tây Bắc mộng mơ, chốn ấy đã trở thành một phần trong tâm hồn tôi, nơi tôi sẽ trở lại một lần nữa trong hành trình thiên di rộn rã…

Hoàng Khánh Duy
Bình luận
Back To Top