ĐBP - Cơn nắng bỏng rát vào mùa hè những ngày này dường như cũng không thể ngăn được sự háo hức của ông tôi khi nhân dịp về quê ghé thăm đồng đội cũ. Đã lâu lắm rồi ông mới lại về quê, từ ngày cùng các con chuyển nhà lên phố thị, hầu như vì nhịp sống xô bồ, rồi sau dần vì tuổi cao sức yếu nên những chuyến thăm quê ngày càng trở nên thưa thớt. Ông tôi năm nay đã bước vào ngưỡng chín mươi, bước đi của ông chậm dần theo thời gian nhưng vẫn còn minh mẫn lắm.
Những ngày trên phố, mỗi khi có dịp rảnh tôi lại nghe ông kể về chuyện chiến trường xưa, những ngày chinh chiến dưới mưa bom bão đạn và rồi cùng đón hoà bình về trên đất nước. Cũng nhiều lần ông kể cho tôi nghe ông nhớ những người đồng đội cũ như thế nào nhưng ngày xưa các phương tiện liên lạc không phổ biến như bây giờ, ban đầu còn những cánh thư, sau cũng mất dần địa chỉ, chỉ non vài người vẫn còn ở chốn quê mỗi khi rảnh rỗi ông về quê lại ghé thăm.
Hè năm nay, khi con nắng vừa mới bắt đầu, muốn hoàn thành tâm nguyện của ông, tôi quyết định dành kì nghỉ hè của mình để đưa ông về quê thăm lại đồng đội. Ngay khi nghe ý định của tôi đôi mắt ông bỗng rưng rưng và những hồi kí chiến trường trở nên sống động, tôi nhớ đêm ấy hai ông cháu tôi đã gần như thức trắng để tâm sự với nhau, phải đến khi ba tôi xuống nhà, thấy hai ông cháu còn đương thức mới hối đi ngủ để còn giữ sức đi cả một chặng đường dài.
Phố xá dường như đã thay đổi kể từ non đến gần hai chục năm ông chưa về nhưng ông vẫn chỉ cho tôi con phố này khi xưa ông ở, đoạn đường này ông đã đi, dù chỉ còn đôi chút bóng dáng xưa kể từ ngày vùng quê tôi đô thị hoá. Tôi vừa hỏi đường để chở ông đi thì nghe điện thoại reo, giọng người con gái đầu dây nhỏ nhẹ:
- Anh và ông xuống tới chợ chưa ạ, anh đến rồi thì chờ em chốc, em chạy ù ra dẫn vào, đường khó đi lắm ạ.
Chẳng mấy chốc thì có bóng dáng một cô gái ra dẫn cả hai chúng tôi băng qua rất nhiều góc hẻm nhỏ để tới được một căn nhà cấp bốn cứ như lọt thỏm giữa lòng phố thị. Đó là cháu gái của ông Đốc, bạn chiến đấu của ông tôi. Khi ông tôi chậm rãi bước vào nhà, vừa nhìn thấy ông Đốc thì đã vội tiến lại:
- Chú Đốc, chú còn nhớ tôi đấy không?
Nhưng đáp lại ông tôi chỉ là ánh nhìn có phần hơi chậm chạp, cô gái nói nhỏ với tôi: “Anh thông cảm, mấy năm trước ông em tai biến, sau lần đó là ông không còn nhớ ai nữa, kể cả người thân trong nhà”. Ông tôi vừa thoáng nghe, gương mặt có chút đượm buồn, ông ngồi bên mép giường, đỡ người anh em cũ ngồi dậy, nhẹ giọng:
- Chú còn nhớ cái món rượu thốt nốt này không, tôi ngâm mang về cho chú đấy.
Tôi không biết ông Đốc có hiểu gì không chỉ thấy bờ môi ông móm mém cười khi ngửi thấy mùi hương cũ. Tôi nhớ món rượu này ông đã cất công ngâm từ dạo trước, vừa ngâm vừa kể, những ngày ở rừng thiếu thốn, mỗi khi nhớ về quê nhà, lại khi cuộc chiến có thành tựu, ông và đồng đội hay tự thưởng lẫn nhau món rượu thốt nốt tự làm này, không quá say để quên đi nhiệm vụ, nhưng đủ để ngà ngà phai bớt dần nỗi nhớ quê. Ông Đốc là anh nuôi trong đoàn, ngâm rượu tài lắm, không uống được rượu chi chỉ uống được mỗi thứ rượu ngọt này. Nên những anh em trong binh đoàn mỗi khi đùa vui vẫn hay có nhau cái hẹn sau này gặp lại để “trả ơn” anh nuôi mỗi ngày nấu ăn cho mình thì nhất định mỗi người sẽ tự ngâm một bình rượu thốt nốt tặng anh nuôi... Ông tôi từ biệt nhà ông Đốc để tạt qua thăm một đồng đội khác nhưng tôi thấy trong niềm vui đôi mắt ông vẫn buồn lắm:” Nếu như ông giữ lời hứa đến sớm hơn có khi chú ấy...”. Tôi không biết nói gì với ông chỉ trách thời gian trôi đi quá nhanh và sức mạnh của nó làm lụi tàn đi nhiều thứ.
Vất vả lắm chúng tôi mới tới được ngôi nhà thứ hai, một căn nhà ngập tràn hoa giấy đương vào buổi trưa lúc bữa cơm đang thơm phức vừa được dọn lên. Bóng người đàn ông luống tuổi đứng đợi ngay cửa như háo hức như lo lắng mong chờ khách đến khiến chúng tôi cảm thấy như có niềm vui được chờ đợi. Ngay khi vừa thấy bóng ông tôi, bác Mục đã nói rất to:
- Thủ trưởng, nhà em đây thủ trưởng!
Hai người đồng đội cũ ôm lấy nhau, mừng rơi nước mắt. Ông quay sang nói với tôi:
- Bác Mục! Ngày ấy là trẻ nhất trong đoàn, đi lính những ngày đầu cứ khóc mãi thôi. Nên còn hay bị gọi là Mục nhè đấy.
- Ấy, sao thủ trưởng lại giới thiệu em như thế, còn gì là bậc trưởng lão!
Rồi hai người cười khề khà bước vào nhà. Mâm cơm đầy những món quen thuộc với
Ông tôi ngày xưa, vừa thoạt nhìn là tôi biết những món ông thích: nào là măng lồ ô, thịt thỏ rừng... Những câu chuyện được kể lại đầy hào hùng qua giọng kể của những người trong cuộc, bác Mục còn nài ông ở lại nhà để nghỉ ngơi rồi đợi đến xế chiều các bác khác ghé, vì biết “ thủ trưởng” về quê nên bác Mục đã liên lạc được vài người, ai cũng háo hức và tranh thủ sắp xếp để tạo một buổi họp mặt.
Đến tối, tất cả dường như cùng quây quần trong căn nhà nhỏ, tôi thấy những người đàn ông luống tuổi bận những bộ quân phục đầy những huy chương, có người đã về hưu, có người trẻ hơn còn đang phục vụ trong quân đội với những chức vụ cao, tất cả tề tựu bên căn nhà nhỏ.
Lửa xưa thay bằng đèn điện, khung cảnh núi rừng thay bằng căn nhà nhỏ ấm cúng, còn kia vẫn là những người đồng đội cũ, khác chăng chỉ là in hằn dấu vết thời gian trên gương mặt...
Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN