Góc nhìn

Nhen lên quyết tâm bài trừ hủ tục

17:49 - Thứ Tư, 29/06/2022 Lượt xem: 7045 In bài viết

ĐBP - Câu chuyện sau mỗi chuyến về cơ sở của đội ngũ phóng viên địa bàn, ngoài niềm vui về sự thay da đổi thịt của các thôn, bản còn nhiều trăn trở, băn khoăn về hệ lụy của những hủ tục, như: Dùng hình thức cúng bái, làm lý, chữa bệnh bằng mẹo; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tự tử bằng lá ngón…

Còn nhớ, giai đoạn 2016 - 2018, thống kê trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở một số xã vùng cao ở các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong cao do hủ tục sinh con tại nhà và chữa bệnh nhờ thầy cúng. Bằng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền mà mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: Giảm tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi nhằm thu hẹp khoảng cách về tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em có chất lượng. Phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi lần lượt là 5,5%o, dưới 15%o và 18,5%o;… Đi cùng với mục tiêu đó là nhiều giải pháp căn cơ ưu tiên tập trung vào khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với những biện pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cùng nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh của các ngành, các cấp chính quyền, hi vọng trong thời gian ngắn, hủ tục trong chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ được loại trừ.

Điều băn khoăn ở một số xã thuộc Điện Biên Đông, Tủa Chùa là tình trạng tự tử bằng lá ngón. Thực tế cho thấy: Bất chấp những nỗ lực của chính quyền địa phương (trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nỗ lực cứu chữa và phá bỏ cây lá ngón), hủ tục này vẫn âm thầm tồn tại có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì những nỗi lo không đâu. Như Báo Điện Biên Phủ đã phản ánh, riêng 5 tháng đầu năm huyện Điện Biên Đông có 31 vụ tự tử bằng lá ngón làm 3 người tử vong, cũng tại huyện này bình quân mỗi năm xảy ra gần trăm vụ tự tử bằng loại cây này. Nhìn ra toàn tỉnh, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng qua phản ánh có thể thấy rằng hủ tục tìm sự giải thoát nhờ cây lá ngón vẫn tồn tại bất chấp những nỗ lực ngăn cản của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Căn nguyên của hủ tục này đa số đến từ nhận thức nên công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức luôn được cấp ủy, chính quyền đặt lên hàng đầu. Nhưng vẫn không xuể. Như một vị lãnh đạo xã tại huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Vận động người dân phá nhổ cây lá ngón là việc được xã triển khai thường xuyên, liên tục, dù biết là rất hình thức, nhưng nếu không làm thế thì không còn cách nào tốt hơn để thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người dân. 

Cuộc chiến đẩy lùi hủ tục còn rất dài. Việc xóa bỏ hủ tục được chính quyền các cấp cùng các ngành, đoàn thể liên quan chung tay thực hiện. Những năm gần đây, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc hỗ trợ phát triển kinh tế để người dân nâng cao đời sống dân trí, từ đó dần chuyển biến trong nhận thức và tư duy tiến tới loại trừ những cái chết nghiệt ngã bởi hủ tục. Và quyết tâm bài trừ hủ tục cần được nhen lên trong thế hệ trẻ người bản địa bởi chính lực lượng này hiểu và thấm những hệ lụy do hủ tục để lại - một khi đứng dậy bài trừ thì kết quả sẽ khả quan.

Chí Nghĩa
Bình luận

Tin khác

Back To Top