Ấn tượng từ một bộ phim lịch sử

08:23 - Thứ Hai, 11/07/2022 Lượt xem: 6843 In bài viết

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022), bộ phim truyện truyền hình “Bình minh phía trước” (10 tập) của đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Tuấn Dũng khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư từ nhỏ đến tuổi thanh niên, trưởng thành đang phát sóng trên kênh VTV1 đã thu hút sự chú ý của khán giả.

Cảnh trong phim “Bình minh phía trước”.

“Bình minh phía trước” do đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Tuấn Dũng viết kịch bản và đạo diễn gồm 10 tập, thời lượng mỗi tập 45 phút, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì thực hiện. Bộ phim tái hiện câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên hành trình cách mạng, từ khi giác ngộ lý tưởng, trưởng thành và anh dũng hy sinh. Trên nền tảng kịch bản công phu, phim có bố cục lớp lang, mạch lạc và nội dung hấp dẫn, khắc họa được chân dung của nhà cách mạng trẻ tuổi, tài năng, kiên trung, trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến những năm đầu thế kỷ 20.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, đoàn làm phim đã khảo sát gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, chọn được 13 tỉnh, thành phố để dựng và quay phim. Phim được đầu tư công phu từ kịch bản đến bối cảnh, phục trang, đạo cụ, tuyển chọn diễn viên kỹ lưỡng. Vai chính trong phim - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - do diễn viên trẻ Nguyễn Thanh Tuấn đảm nhận. Để hóa thân vào vai diễn, Thanh Tuấn đã tìm đọc nhiều tài liệu lịch sử cách mạng, nghiên cứu kỹ vai diễn và gần như thuộc lòng kịch bản. Anh phải luyện tập hình thể và nhiều kỹ năng như côn đao, quyền cước... Vai diễn như đánh dấu sự trở lại của Thanh Tuấn với nghiệp diễn bởi anh từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau đó ra nước ngoài, cho nên không có nhiều thời gian để theo nghiệp diễn.

Trước đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã tạo được dấu ấn đẹp với các phim đề tài lịch sử, gồm “Thầu Chín ở Xiêm” về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và “Những người viết huyền thoại” về tướng Đinh Đức Thiện. Với bộ phim lần này, anh đảm nhận viết kịch bản, cho nên đã đầu tư nhiều thời gian để xây dựng đề cương. Nhờ quá trình nghiên cứu cổ văn trước đó, Bùi Tuấn Dũng viết thoại xưa khá suôn sẻ. Anh bày tỏ quan điểm rõ ràng trong việc hiểu và trung thành với nhân vật, không “tô vẽ”. Tất cả mốc của cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phải giữ nguyên, đồng thời, ê-kíp phim có tham khảo thêm các chi tiết, sự kiện diễn ra cùng thời để tra chéo, kết nối sự kiện.

Dù vậy, phim vẫn có không ít nhân vật hư cấu ở làng xóm, trong trường học và xã hội… để tạo xung đột, kịch tính. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh, chất liệu lịch sử hay mà phim không thu hút được khán giả là lỗi của nhà làm phim, không phải ở đề tài. Điện ảnh cần một hệ thống tư duy khoa học và tính triết lý đòi hỏi nhiều ở đội ngũ sáng tạo. Mỗi bộ phim nhất thiết phải là một công trình nhiều tâm ý, trong đó tạo ra một thế giới đương đại của nhân vật từng sống, thổi một môi trường văn hóa giàu chi tiết nhất, nói cách khác là cho tác phẩm một đời sống trường tồn.

Mạch chính của phim bắt đầu từ cuộc sống của nhiều giai tầng ở một làng quê thời loạn vùng Kinh Bắc, khoảng giữa thập niên 20 thế kỷ trước khi người dân khắp nơi đang lầm than trong cảnh “một cổ nhiều tròng”. Ngoài sự áp chế của quan quân xâm lược Pháp, cơ binh triều đình, tàn quân nhà Thanh... còn có cả sự cướp bóc của thổ phỉ, nghĩa binh, nông dân bần cùng nổi loạn, trộm cướp quanh vùng... Bối cảnh ấy tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Văn Cừ, người thanh niên đầy nhiệt huyết.

Mạch truyện phụ thứ nhất đi sâu khai thác những mối quan hệ gia đình, bằng hữu, gia tộc họ Nguyễn và các thế lực khác ở làng Phù Khê - quê hương của Nguyễn Văn Cừ. Mạch truyện phụ thứ hai tập trung vào tuyến nhân vật phản diện nằm ở phía những quan lại, cường hào ác bá, nhân sĩ chính tà, những người đồng trang lứa từng đi chung với nhân vật chính một đoạn đường, nhưng vì nhiều lý do mà thành kẻ thủ ác. Phim được quay với chất lượng hình ảnh 4K, bộ cine lens cho hình ảnh như phim điện ảnh. Đạo diễn cũng sử dụng cách kể với ngôn ngữ âm thanh và dựng phim gần với điện ảnh hơn.

Tương tự các bộ phim lịch sử khác từng làm, với phim “Bình minh phía trước”, Bùi Tuấn Dũng đặt ra mục tiêu đơn giản là tạo ra một câu chuyện lịch sử dễ xem để truyền lửa cách mạng tới thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top