ĐBP - Bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé với 90% là dân tộc Hà Nhì. Tại đây, đồng bào dân tộc Hà Nhì vẫn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có Tết mùa mưa (Dế khù chà – theo tiếng Hà Nhì). Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no…
Theo quan niệm của người Hà Nhì, mùa mưa thường kéo dài từ 15/5 – 15/7 âm lịch. Thời điểm này các vị thần sông, nước hoành hành, sấm sét, xói mòn, lũ quét… làm cho hồn vía con người, vật nuôi và cây trồng hoảng loạn, sợ hãi, thất lạc… Do đó sẽ khiến con người dễ bị ốm đau, cây trồng, vật nuôi cũng khó sinh sôi phát triển. Vì vậy, phải tổ chức nghỉ ngơi để ăn tết giữa mùa mưa vào một ngày cố định là 24/6 âm lịch hàng năm để làm nghi lễ gọi hồn vía cho con người, vật nuôi và cây trồng. Chính vì vậy, theo truyền thống từ xa xưa, cứ mỗi năm một lần, vào thời điểm nắng nóng nhất của mùa hè, mưa thường kéo dài, người Hà Nhì tiến hành làm Tết mùa mưa để cầu xin các vị thần mưa, thần nước trả lại hồn vía đã bắt từ trước để con người khỏe mạnh hơn, vật nuôi, cây trồng có sức sống trở lại, phát triển tốt tươi, cho mùa màng bội thu. Đồng bào thường lựa chọn ngày tổ chức trùng vào ngày Hợi hoặc ngày Thìn bởi họ quan niệm nếu trùng vào các ngày này thì năm đó mọi điều thuận lợi, may mắn sẽ đến nhiều hơn.
Tết mùa mưa là dịp để nghỉ ngơi giữa mùa mưa sau quãng thời gian lao động vất vả, đồng thời để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và các vị thần linh, gọi hồn vía các thành viên trong gia đình, vật nuôi và cây trồng để đồng bào có một mùa vụ may mắn. Đây còn là dịp để mọi người về đoàn tụ, ôn lại và trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, cùng vui, cùng sum vầy bên mâm cỗ, nâng chén rượu mừng chúc nhau những điều tốt đẹp, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên với ước vọng vào mùa vụ sẽ gặt hái được nhiều thành quả, có cuộc sống tốt đẹp hơn
Tết mùa mưa của người Hà Nhì được tổ chức trong phạm vi hộ gia đình. Tuy nhiên để ngày tổ chức diễn ra theo truyền thống, tại thời điểm trước đó 1 tháng, đại diện các gia đình cùng với cán bộ bản sẽ họp bàn thống nhất ngày tổ chức, cũng như để chuẩn bị cho chương trình vui tết, từ các trò chơi dân gian đến buổi giao lưu, trình diễn văn hóa văn nghệ dân gian…