Diễn ra từ ngày 8 đến 12/8, triển lãm "Sắc màu văn hóa ASEAN" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Không chỉ thu nhận thêm kiến thức, khách tham quan còn có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị khi tiếp cận nhiều nét văn hóa đặc trưng của các nước trong khu vực.
Triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức, khai mạc vào đúng Ngày ASEAN (8/8), nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN. Tại sự kiện cắt băng khai mạc, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Triển lãm "Sắc màu văn hóa ASEAN" nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các quốc gia trong khu vực, góp phần mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, phát triển du lịch.
Các nước ASEAN đã tích cực phối hợp, lựa chọn kỹ lưỡng và gửi trang phục truyền thống, các tác phẩm ảnh và hiện vật truyền thống văn hóa của quốc gia mình tới Việt Nam để triển lãm. Những trang phục và hiện vật mang đậm bản sắc quê hương ấy thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các thành viên ASEAN dành cho những sự kiện văn hóa do Việt Nam tổ chức trong năm 2022, nhân kỷ niệm 55 năm ASEAN.
10 cặp trang phục truyền thống và hàng trăm hình ảnh, hiện vật được tuyển chọn và sắp xếp với đặc trưng về địa lý, khí hậu, văn hóa... của từng nước ASEAN, đồng thời cũng phản ánh sự giao thoa văn hóa trong khu vực Đông Nam Á. Các đại biểu đến từ các đại sứ quán cùng tham quan và giới thiệu các nét đẹp, độc đáo của đất nước mình. Đại biện lâm thời Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam Neermal Shunmugam cho biết: "Triển lãm này là một dịp quan trọng, thể hiện tình hữu nghị của cộng đồng ASEAN. Nó cho thấy một điều rằng dù chúng ta có hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau nhưng tất cả đều có thể vượt qua mọi khó khăn, rào cản để trở thành một khối thống nhất, đặc biệt là cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. Tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người có thể tới và chiêm ngưỡng trang phục truyền thống, văn hóa, ẩm thực... của các nước ASEAN".
Tại triển lãm, người xem có dịp chiêm ngưỡng nhiều hiện vật nguyên bản và quý giá. Nếu như nước bạn Lào thể hiện bản sắc qua những hình ảnh về các sinh hoạt, sự kiện, lễ hội và các hoạt động liên quan đến Phật giáo thì Philippines lại mang đến ấn tượng sôi động, rực rỡ qua những lễ hội kết hợp tín ngưỡng bản địa với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây... Trang phục truyền thống Philippines cũng rất cầu kỳ với những loại sợi làm từ tơ chuối, tơ dứa, với quá trình dệt thủ công và trang trí tinh tế. Là quốc gia có diện tích khiêm tốn nhưng Singapore đạt nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, tài chính, công nghệ..., vì vậy bên cạnh trang phục truyền thống rực rỡ thì "đảo quốc Sư tử" cũng đóng góp cho triển lãm bộ ảnh đặc sắc về những công trình kiến trúc hiện đại, đô thị thông minh.
Myanmar thu hút khách tham quan với các sản phẩm thủ công phong phú và tinh xảo, từ hộp đựng trầu và bát bằng gỗ sơn mài truyền thống, cho đến trống Ozi hay cây đàn hạc Saung Gauk - nhạc cụ gắn liền với nhiều triều đại hoàng gia, búp bê hoàng tử và công chúa với trang phục chi tiết y như đồ thật… Gian trưng bày của Campuchia chắc chắn không thể thiếu những hình ảnh của Quần thể kiến trúc Angkor, Di sản văn hóa thế giới và là một trong những điểm du lịch nổi bật nhất xứ sở Chùa Tháp.
Trong khi đó, Indonesia lại "níu chân" người xem bởi bộ ảnh tuyệt đẹp về phong cảnh núi lửa - một "đặc sản" tự nhiên được nước này khai thác làm du lịch khá hiệu quả. Số lượng núi lửa đang hoạt động ở Indonesia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm. Núi lửa Bromo, Semeru (đảo Java), hay núi lửa Batur, Agung (đảo Bali)... cũng gắn chặt với đời sống và tinh thần của người dân Indonesia, truyền cảm hứng cho các hình thức nghệ thuật, chẳng hạn vũ điệu lửa Kecak, hay kiến trúc đền đài…
Trong số khách tham quan, có những người từng đi du lịch, công tác tại một số nước trong khu vực, cũng có những người chưa từng đến thăm các nước ASEAN, song điểm chung đều là hào hứng khi được tiếp cận những bộ Quốc phục gần như nguyên bản với chú thích chi tiết, hay những chùm ảnh đẹp mắt về thiên nhiên, văn hóa.
Chị Lưu Thanh Loan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vì tính chất công việc cho nên chị đã nhiều lần đến Thái Lan, song tại triển lãm chị vẫn tìm thấy những thông tin thú vị mà mình chưa biết về văn hóa đất nước này. Chẳng hạn như trang phục truyền thống của Thái Lan khác biệt theo vùng, miền, và bộ trang phục Thái Chakkri là nổi tiếng thanh lịch và phổ biến nhất, có phụ kiện bằng vàng đi kèm trang nhã và tỉ mỉ. Một nhóm sinh viên khác thì nuôi ý định đi du lịch Brunei sau khi tham quan khu vực trưng bày trang phục truyền thống và sản phẩm thủ công làm từ lá cọ của quốc gia Hồi giáo này...
Đóng vai trò chủ nhà, Việt Nam cũng giới thiệu đến bạn bè ASEAN những tinh hoa văn hóa của mình, như trống đồng, áo dài, nón lá, nghệ thuật múa rối, cùng bộ ảnh lung linh về các danh lam thắng cảnh khắp mọi miền Tổ quốc, từ vùng núi phía bắc cho đến duyên hải miền trung, vẻ đẹp đại ngàn Tây Nguyên hay sông nước Tây Nam Bộ...
Những hình ảnh, hiện vật của triển lãm "Sắc màu văn hóa ASEAN" đã góp phần tôn vinh đất nước, con người, giá trị truyền thống của các quốc gia trong cộng đồng, đồng thời làm nổi bật một cộng đồng ASEAN đa dạng và đậm đà bản sắc.