Gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Mông đỏ

07:49 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 6616 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc Mông chiếm tỷ lệ dân số lớn nhất. Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng bào dân tộc Mông nói chung, ngành Mông đỏ nói riêng luôn ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ngăn chặn, đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu, đoàn kết cùng cộng đồng các dân tộc xây dựng dải đất biên cương cực Tây ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Phụ nữ Mông bản Nà Bủng, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) thêu trang phục truyền thống. Ảnh: C.T.V

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8.376 hộ, 43.458 nhân khẩu người Mông đỏ. Họ chủ yếu sinh sống ở vùng núi cao, biên giới thuộc các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông... Văn hóa truyền thống của người Mông đỏ rất phong phú, đa dạng, gồm các tín ngưỡng, lễ thức văn hóa dân gian, kho tàng thơ ca truyện cổ, âm nhạc, vũ điệu và các nghề truyền thống... Tuy nhiên, dù mang những nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông nói chung, nhưng người Mông đỏ có một số khác biệt với ngành Mông khác như về trang phục, một số phát âm trong ngôn ngữ, thực hành một số nghi lễ (dù su, cưới hỏi, tang ma...).

Tín ngưỡng và tập quán xã hội của ngành Mông đỏ luôn hòa quyện với các lễ hội tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Các lễ hội truyền thống của người Mông đỏ trong năm phải kể đến lễ lên nhà mới, Tết Nào Pê Chầu... Tết cổ truyền, trước đây do cách tính khác nhau nên tết người Mông đỏ diễn ra trước tết nguyên đán 1 tháng. Cũng giống như nhóm ngành Mông khác, ngành Mông đỏ ăn và chơi tết nhiều ngày. Sau 3 ngày ăn tết chính, kiêng kỵ, từ ngày mồng 4 trở đi là ngày hội với các trò chơi, văn nghệ dân gian (ném pao, đánh cu, hát ống, múa khèn, thổi sáo...). Cùng với đó, âm nhạc dân gian của dân tộc Mông đỏ mang nhiều vẻ độc đáo, rất đặc trưng, âm nhạc chủ đạo mang tính chất trữ tình, phong phú, khỏe khoắn. Âm nhạc Mông đỏ từ giai điệu, tiết tấu, đến âm sắc, âm khu... tất cả mọi yếu tố kết thành một thể thống nhất, truyền vào con người tinh thần yêu đời, đoàn kết, yêu thương nhau.

Đặc biệt, nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông nói chung, ngành Mông đỏ nói riêng không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, nghề rèn, đan lát, nghề mộc, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con vùng cao. Đơn cử như nghề rèn truyền thống của người Mông đỏ đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo, thể hiện sự sáng tạo của người thợ rèn. Để cho ra những sản phẩm tốt, chất lượng, người thợ phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gẫy, do vậy phải tôi thép làm sao để thép có đủ độ rắn và độ lạnh thì dao mới sắc và bền. Ông Giàng Sải Tro, bản Phiêng Hoa, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giao) chia sẻ: “Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời. Do tập quán người Mông đỏ thích ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn nên họ thỉnh thoảng mới xuống chợ, những dụng cụ lao động đều do họ tự làm, tự rèn để tiết kiệm chi phí, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Nếu trước đây người Mông đỏ thường đi mua sắt, thép ở những nơi khác mang về rèn thành công cụ, thì ngày nay nhờ những phế liệu của ngành công nghiệp (nhíp ô tô, xà beng, choòng đục đá... người ta không phải đi tìm nguyên liệu nữa. Các sản phẩm trong nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông đỏ rất phong phú, thường là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động - sản xuất hàng ngày như: Dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng... Hiện nay người Mông đỏ đã đem bán, trao đổi hàng hóa tại các phiên chợ trong vùng, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể”.

Để nghiên cứu, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của ngành Mông đỏ, tháng 4/2022 Bảo tàng tỉnh phối hợp với phòng văn hóa - thông tin các huyện thực hiện 2 đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Qua nghiên cứu, kiểm kê cho thấy, các giá trị văn hóa của dân tộc Mông, ngành Mông đỏ về cơ bản không có nhiều biến đổi so với bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh việc duy trì những đặc trưng văn hóa truyền thống, văn hóa ngành Mông đỏ đã có những biến đổi nhất định. Tuy nhiên, sự biến đổi này nhằm đơn giản hóa, lược bớt các thủ tục lạc hậu, rườm rà, hao tốn thời gian và tiền bạc, điển hình như: Rút ngắn thời gian, chi phí tổ chức tang lễ, giảm nhẹ các lễ vật thách cưới... Đồng thời, thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các loại giống mới (ngô, lúa, dong riềng...) cho năng suất cao vào canh tác; điều này đã giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từng bước thay đổi các giá trị văn hóa theo hướng tích cực.

Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa ngành Mông đỏ, rất cần những giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ toàn bộ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức tư liệu hóa: Ghi chép, ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật gốc để bảo quản lâu dài. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng dân tộc Mông nói chung, ngành Mông đỏ nói riêng. Trong đó chú trọng khai thác chất liệu dân gian, khôi phục một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian, dân tộc; khôi phục các làng nghề truyền thống và các lễ hội. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ những tác hại của các phong tục, tập tục lạc hậu, lỗi thời, gây cản trở sự phát triển, như tục hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn... để loại bỏ; từ đó góp phần thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng đời sống mới ấm no, phát triển.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top