Dung dị một hồn thơ

07:57 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 5450 In bài viết

Đỗ Thế Điệp đến với văn chương nghệ thuật tương đối sớm. Ở độ tuổi 20 anh đã viết báo, làm thơ. Vì mưu sinh suốt một thời gian dài, anh nén niềm đam mê để mưu sinh. Nhưng trong anh ngọn lửa sáng tạo văn chương vẫn cháy, vẫn chờ dịp khơi nguồn. Đến tuổi hoa giáp, khi việc nước đã xong, anh lại tái hợp với văn chương, thơ phú. Qua một thập kỷ anh đã cho ra 6 tập thơ: Hạt mưa-tia nắng (2007), chuyện tình hồ Pá Khoang (2010), Vòng xòe (2012), Chuyện tình hoa ban trắng (2014), Nhớ Điện Biên (2017). Đầu xuân Mậu Tuất (2018), anh cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 7 mang tên “Thắp nến cho cha”.

Cho dù nghề chính là luật sư, văn chương chỉ là “nghề tay trái”, như anh thường nói. Nhưng nhìn số lượng tác phẩm Đỗ Thế Điệp xuất bản thì chẳng “tay trái” chút nào.

Nghề luật sư mà Đỗ Thế Điệp đã làm tưởng chừng chỉ gắn với sự khô khan, nhưng không phải! Qua trải nghiệm cuộc đời, cùng với tấm lòng rộng mở, sự nhạy cảm của tâm hồn thi sỹ biết đau trước những số phận bọt bèo, biết sẻ chia với những hoàn cảnh bi thương, biết rung cảm trước cái đẹp... đã tạo cho anh động lực sáng tạo. Thơ đối với anh như nhật ký của cảm xúc. Bất chợt rung lên, nén lại bung ra. Do không danh lợi, nên thơ Đỗ Thế Điệp tự nhiên, không cầu kỳ, hoa mỹ. Mỗi tứ thơ, mỗi câu thơ anh viết đều xuất phát từ đời sống bình dị, dân dã, cội nguồn trong trẻo của một tâm hồn đầy hướng thiện vị tha.

Tập “Thắp nến cho cha” với 197 bài thể tài phong phú. Nhưng có thể chia thành các mảng: tình yêu quê hương đất nước; tình cảm gia đình; những chia sẻ về cuộc sống, về thế sự.

Thắp nến cho cha - tưởng như chỉ là sự tri ân riêng tư của thi sĩ họ Đỗ. Song đọc tập thơ ta mới biết, nhà thơ muốn tri ân cho tất cả: Rộng lớn là Tổ quốc là lịch sử hào hùng, các anh hùng liệt sĩ, người lính, bác nông dân, chị lao công, chú thuyền chài... và hơn thế là tấm lòng rộng mở nên nhà thơ tri ân cả cánh ban, vòng xòe, chút nắng xuân vùng cao, chút sương lãng đãng lưng đèo.

Không sinh ở Điện Biên, nhưng cả cuộc đời gắn với Điện Biên. Đỗ Thế Điệp không chỉ cống hiến trọn đời cho mảnh đất này, mà còn biết trả nghĩa qua văn chương.

“Mời bạn lên thăm Điện Biên

Trai tài gái đẹp như tiên trên trời

“Lẩu xơ” mời bạn cạn vơi

Vui xuân say đắm tình người Điện Biên”

(Mời bạn)

“Hồ như một khúc sông ngân

Đêm trăng sao xuống quây quần bên nhau”

(Hồ Pá Khoang)

Đề tài về cuộc sống đời thường và thế sự cũng được Đỗ Thế Điệp khai thác. Nhưng với cái nhìn trong sáng, lạc quan hồn nhiên, cụ thể nên đọc thơ Đỗ Thế Điệp rất dễ hiểu, thông điệp rõ ràng:

“Trái tim tôi tràn đầy tình yêu

Yêu Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Yêu vợ con, anh em, đồng chí

Yêu Điện Biên mảnh đất nuôi mình”.

(Trái tim tôi)

Trên nền chung và khá thống nhất về cách thể hiện trong tập thơ Thắp nến cho cha, Đỗ Thế Điệp đã ưu tiên viết những bài về tình yêu gia đình.

Đối với anh tình yêu đôi lứa cũng thật rõ, không trìu tượng:

“Em ơi chuyện thật như mơ

Gặp em tài sắc còn chờ đợi ai

Rừng vàng biển bạc tương lai

Anh yêu em muốn ngày mai một nhà.

(chuyện tình của em gái Thái Mường Thanh)

So với các tập thơ trước đây của tác giả Đỗ Thế Điệp, “Thắp nến cho cha” đã có lối đi rõ hơn khi chọn chủ đề và đạt được những thành công, có một số bài, một số câu đã “neo” trong lòng bạn đọc.

“Lên rừng cùng bạn du xuân

Xem hoa ban nở trắng ngần như mây

Gặp em tắm suối vui vầy

Nước trong, da trắng như mây trên trời”.

(Du xuân)

Thơ ca luôn tồn tại với đời sống nhân sinh. Số phận của thơ ca cũng thăng giáng theo sự vần xoay của tạo hóa. Trong xu thế số hóa, nhịp sống hối hả như hiện nay con người đã có nhiều sự lựa chọn cho đời sống tinh thần của mình. Vị thế của thơ cũng không được như trước; Vượt qua sự nghiệt ngã của văn chương Đỗ Thế Điệp vẫn dũng cảm sáng tạo. Thật trân quý!

Thanh Huyền
Bình luận
Back To Top