Tuần Giáo gỡ khó trong xây dựng nhà văn hóa

08:38 - Thứ Sáu, 26/08/2022 Lượt xem: 5994 In bài viết

ĐBP - Nhà văn hóa bản là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, học tập cộng đồng và các cuộc họp của bản. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Tuần Giáo tỷ lệ nhà văn hóa, khối bản còn thấp, một số nhà đã xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; thậm chí có bản chưa có nhà văn hóa. Việc này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở cần đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể, nỗ lực “phủ sóng” nhà văn hóa ở thôn, bản, khối phố.

Đội văn nghệ xã Quài Tở biểu diễn tại nhà văn hoá.

Để thực hiện tiêu chí số 6 về “Cơ sở vật chất văn hóa”, huyện Tuần Giáo đã rà soát các thiết chế văn hóa từ huyện đến xã, thôn bản để có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; quy hoạch diện tích đất xây nhà văn hóa xã, thôn bản... Từ sau khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được huyện quan tâm chỉ đạo sát sao. Huyện đã linh hoạt sử dụng các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn xã hội hóa để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa  - thể thao, nhà văn hóa. Đến nay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tham gia hiến kế, hiến công, góp đất, huyện Tuần Giáo đã xây dựng được 77 nhà văn hóa (1 nhà văn hóa huyện; 12 nhà văn hóa xã; 64 nhà văn hóa bản, khối phố...)

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nhà văn hóa, khối bản còn thấp (36%), đặc biệt một số xã tỷ lệ bản có nhà văn hóa rất thấp, như: Tỏa Tình 7/7 bản chưa có nhà văn hóa, Chiềng Đông 10/10 bản chưa có nhà văn hóa; Chiềng Sinh 6/7 bản chưa có nhà văn hóa... Đơn cử như tại xã Quài Cang hiện 12/13 bản chưa có nhà văn hóa. Ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang chia sẻ: Để đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn bản phải có diện tích từ 200m2 trở lên và có sức chứa từ 80 chỗ ngồi cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp. Đặc biệt, là xã có điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vừa thiếu nguồn lực, vừa thiếu quỹ đất nên quy hoạch mặt bằng dẫn tới việc xây dựng nhà văn hóa rất nhiều khó khăn, bất cập.

Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, việc xây dựng nhà văn hoá của huyện gặp nhiều khó khăn, do mức sống của người dân còn thấp, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu. Cùng với đó, do được xây dựng từ nhiều năm trước nên cơ bản các nhà văn hóa rất hẹp, phần lớn chỉ đáp ứng được việc hội họp, chưa khai thác được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa cần nguồn lực lớn, trong khi điều kiện ngân sách của địa phương hạn hẹp, khả năng huy động sức dân đóng góp về kinh phí là không thể thực hiện được. Công tác quy hoạch, nhất là bố trí đất cho việc xây dựng nhà văn hóa khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, hầu hết các nhà văn hoá đều thiếu các thiết bị như: Bàn, ghế, tăng âm, loa đài, tủ sách... và chưa duy trì hoạt động theo định kỳ, chưa thành lập được ban quản lý nhà văn hoá vì liên quan đến kinh phí, chế độ bồi dưỡng cho người phụ trách nhà văn hoá.

Xác định những khó khăn, bất cập; căn cứ tình hình thực tế, huyện Tuần Giáo phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% số xã, trên 55% số khối, bản có nhà văn hóa. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, theo bà Lò Hồng Nhung, huyện đã họp bàn, thống nhất, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong đó trước nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ vai trò, chức năng của nhà văn hóa trong đời sống hàng ngày; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng thiết chế văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sử dụng hiệu quả, linh hoạt, lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa thôn, bản, khối phố... Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực đối thoại, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, hướng tới hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top